Gia đình tôi đang có tranh chấp đất đai với một doanh nghiệp. Trường hợp của tôi có thể nhờ trọng tài thương mại giải quyết tranh chấp hay không? Thủ tục thế nào?
Khu đất thuộc một dự án đang tranh chấp giữa hai công ty bất động sản tại Đà Nẵng - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG
Thắc mắc của bạn Mộc Miên (Bình Chánh, TP.HCM) được luật sư Huỳnh Văn Nông (Đoàn luật sư TP.HCM) trả lời như sau:
- Luật Đất đai năm 2024 quy định trước khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai, các bên tranh chấp phải thực hiện hòa giải tại UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp.
Chủ tịch UBND cấp xã nhận được đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp đất đai phải lập hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai để thực hiện hòa giải trong thời hạn không quá 30 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp.
Việc hòa giải phải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên tham gia hòa giải và có xác nhận hòa giải thành hoặc không thành của UBND cấp xã. Biên bản hòa giải được gửi đến các bên tranh chấp, lưu tại UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp.
Đối với địa bàn không thành lập đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc UBND cấp huyện thì không thực hiện hòa giải tranh chấp đất đai, các bên tranh chấp nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại cơ quan có thẩm quyền.
Phú Quốc có khoảng 159 vụ tranh chấp đất đaiĐỌC NGAY
Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai: Nếu hai bên tranh chấp hoặc một bên tranh chấp có các loại giấy tờ hợp pháp, hợp lệ về sử dụng đất thì do tòa án giải quyết.
Trường hợp các bên tranh chấp không có giấy tờ hợp pháp, hợp lệ về sử dụng đất thì người dân có thể chọn nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đến UBND cấp có thẩm quyền tùy theo vụ việc hoặc khởi kiện ra tòa án theo thủ tục tố tụng dân sự.
Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại liên quan đến đất đai do tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự hoặc do trọng tài thương mại Việt Nam giải quyết theo quy định của pháp luật về trọng tài thương mại.
UBND các cấp có trách nhiệm cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất đai khi được tòa án, trọng tài thương mại Việt Nam yêu cầu để làm căn cứ cho giải quyết tranh chấp đất đai.
Theo nghị định 102 năm 2024, thời gian giải quyết tranh chấp đất đai như sau:
- Thời gian thực hiện thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai của chủ tịch UBND cấp huyện không quá 45 ngày, của chủ tịch UBND cấp tỉnh không quá 60 ngày kể từ ngày thụ lý đơn.
Đối với các xã miền núi, biên giới, đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì thời gian thực hiện các thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai được tăng thêm 10 ngày.
- Thời gian thực hiện thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai thuộc thẩm quyền của bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường không quá 90 ngày kể từ ngày thụ lý đơn.
Nếu đất tranh chấp không có các loại giấy tờ hợp pháp, hợp lệ thì cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai dựa theo các căn cứ sau:
- Chứng cứ về nguồn gốc và quá trình sử dụng đất do các bên tranh chấp đất đai cung cấp.
- Thực tế diện tích đất mà các bên tranh chấp đang sử dụng và bình quân diện tích đất cho một nhân khẩu tại địa phương.
- Hiện trạng sử dụng thửa đất đang có tranh chấp có phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
- Chính sách ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng.
- Quy định của pháp luật về giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất.
Bạn đọc có những câu hỏi liên quan ba luật mới về nhà đất vui lòng gửi đến địa chỉ: [email protected] với tiêu đề "Tư vấn về nhà đất".
Đăng thảo luận