Đại học Công thương TP HCM yêu cầu giảng viên nữ dưới 45 tuổi, nam dưới 50 tuổi, phải đăng ký học tiến sĩ trong vòng 3 năm.

Ngày 1/10, ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, cho biết thông tin trên. Khi đăng ký, giảng viên phải báo tiến độ học tập, thời gian dự kiến hoàn thành và nhận bằng tốt nghiệp, không quá 6 năm.

Nếu không thực hiện, sau ba năm, giảng viên sẽ bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ.

Đại học Công thương TP HCM cũng yêu cầu giảng viên có bằng thạc sĩ nhưng không đúng chuyên ngành phải học lại để đáp ứng yêu cầu giảng dạy, hoặc chuyển sang ngành đào tạo phù hợp với bằng cấp. Nếu không, trường cũng áp dụng hình thức như trên.

Ông Sơn cho hay các hình thức đánh giá này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến mức thưởng cuối năm của giảng viên. Thêm vào đó, theo Luật Viên chức, nếu hai năm liên tiếp, người lao động không hoàn thành nhiệm vụ, trường có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng.

"Nếu quá ba năm mà giảng viên vẫn không đăng ký học thạc sĩ, tiến sĩ, tùy nhu cầu của hai bên, trường có thể bố trí công việc khác, nếu còn vị trí phù hợp", ông Sơn nói thêm.

Đại diện trường cho hay các quy định này nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, cũng như đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn của cơ sở giáo dục đại học theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

"Tạo áp lực bắt buộc đi học cũng là cách để nâng cao chất lượng đào tạo của trường", ông Sơn giải thích.

Trường bắt buộc giảng viên học tiến sĩ  第1张

Giảng viên và sinh viên làm việc tại phòng thí nghiệm phân tích hóa sinh, trường Đại học Công thương TP HCM. Ảnh: HUIT

Trường Đại học Công thương TP HCM hiện có hơn 800 giảng viên. Trong đó, 306 người có trình độ tiến sĩ trở lên, đạt tỷ lệ 38%. Hiện, giảng viên có trình độ thạc sĩ là đủ điều kiện dạy bậc cử nhân.

Tuy nhiên, theo thông tư về chuẩn cơ sở giáo dục đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành hồi tháng 2, trường nào có chương trình đào tạo tiến sĩ thì tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ phải từ 40% trở lên, từ năm 2030 là 50% trở lên.

Bộ cho biết cả nước hiện có gần 91.300 giảng viên. Hơn 30.100 người trong số này có trình độ tiến sĩ, chiếm tỷ lệ 33%.

Trước Đại học Công thương TP HCM, trường Đại học Hà Tĩnh từng đưa ra yêu cầu tương tự, hồi cuối tháng 6. Khi đó, nhiều giảng viên của trường này bức xúc vì bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ do không đăng ký học tiến sĩ. Ở nhiều trường khác, yêu cầu trình độ tiến sĩ thường được đặt ra ngay từ khâu tuyển dụng, ký hợp đồng.

Lệ Nguyễn