Một số tin tức đáng chú ý: Giá trị tăng thêm ngành kinh doanh bất động sản đạt trên 103.954 tỉ đồng/năm; Bộ Y tế có cục trưởng Cục An toàn thực phẩm và chánh văn phòng mới; Một doanh nghiệp thép bán hơn 27.700m² đất ở Đà Nẵng...
Một dự án bất động sản - Ảnh: TTXVN
Giá trị tăng thêm ngành kinh doanh bất động sản đạt trên 103.954 tỉ đồng/năm
Chính phủ có báo cáo về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023.
CẬP NHẬT GIÁ VÀNG TẠI ĐÂY
Bình quân giai đoạn 2015-2023, quy mô giá trị tăng thêm ngành kinh doanh bất động sản đạt hơn 103.954 tỉ đồng/năm, chiếm tỉ trọng bình quân là 1,37% so với GDP.
Kinh doanh bất động sản và xây dựng trung bình chiếm khoảng 12% tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giai đoạn 2015-2022.
Báo cáo của 51/63 địa phương cho thấy có khoảng 2.700 dự án nhà ở thương mại và khu đô thị đã và đang triển khai thực hiện. Trong đó tổng số sản phẩm bất động sản đã hoàn thành khoảng 1.630.650 sản phẩm và hơn 25.138.180m2.
Tổng lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền tại dự án bất động sản khoảng 2.050.000 giao dịch (chung cư, nhà ở riêng lẻ khoảng 510.000 giao dịch; đất nền khoảng 1.540.000 giao dịch).
Bộ Y tế có cục trưởng Cục An toàn thực phẩm và chánh văn phòng mới
Ngày 24-9, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trao quyết định điều động bổ nhiệm cục trưởng Cục An toàn thực phẩm và chánh văn phòng bộ.
Bộ trưởng Bộ Y tế trao quyết định bổ nhiệm - Ảnh: T.MINH
Tân cục trưởng Cục An toàn thực phẩm là bà Trần Việt Nga. Bà Nga là kỹ sư công nghệ thực phẩm. Trước khi được bổ nhiệm bà được lãnh đạo bộ giao nhiệm vụ làm phó cục trưởng phụ trách, quản lý, điều hành đơn vị sau khi ông Nguyễn Thanh Phong nghỉ hưu theo chế độ.
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng trao quyết định bổ nhiệm ông Đoàn Hữu Thiển, viện trưởng Viện Kiểm định quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế, giữ chức vụ chánh văn phòng bộ.
Thanh tra toàn bộ cơ sở trợ giúp xã hội, nuôi dưỡng trẻ em
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa có công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành chỉ đạo thanh kiểm tra, rà soát toàn bộ các cơ sở trợ giúp xã hội, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em.
Trong đó chú ý tiêu chuẩn, điều kiện hoạt động; tiếp nhận, quản lý các nguồn hỗ trợ và xử lý nghiêm trường hợp tự phát, không được cấp phép…
TIN LIÊN QUANTrường Marie Curie, Hà Nội nhận nuôi trẻ em thoát nạn vụ lũ quét tại Làng Nủ
Dự án 12 tỉ đồng chăm sóc, bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt
Có giải pháp bảo đảm các cơ sở trợ giúp xã hội sử dụng công nghệ, thiết bị kỹ thuật theo dõi, giám sát liên tục (24/24h) việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em cũng như chia sẻ, cập nhật dữ liệu cho cơ quan có thẩm quyền.
Tăng cường truyền thông, nâng cao trách nhiệm của người dân và các cấp, ngành trong phát hiện, báo cáo và xử lý những vụ việc vi phạm quyền trẻ em.
Nhà nước khuyến khích cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trợ giúp, chăm sóc trẻ em, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ về đất đai, thuế, tín dụng… Song pháp luật cũng nghiêm cấm lợi dụng chăm sóc trẻ em để xâm hại, trục lợi chính sách.
Hiện cả nước có 425 cơ sở trợ giúp xã hội (195 cơ sở công lập và 230 cơ sở ngoài công lập), trong đó có 149 cơ sở chăm sóc trẻ em, 102 cơ sở tổng hợp…
Mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội hỗ trợ người lớn, trẻ em khuyết tật, tâm thần (khoảng 46%), trẻ em mồ côi và bị bỏ rơi (trên 19%)...
Một doanh nghiệp thép bán hơn 27.700m² đất ở Đà Nẵng
Hội đồng quản trị Công ty CP Đầu tư thương mại SMC vừa thông qua nghị quyết việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại Công ty TNHH MTV SMC Đà Nẵng.
Theo nghị quyết, lô đất này tọa lạc tại quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng, có diện tích 27.731m2. Giá chuyển nhượng dự kiến hơn 96 tỉ đồng, đã bao gồm thuế giá trị gia tăng.
Trong bối cảnh khó khăn, SMC liên tiếp phải bán tài sản. Trước đó, vào tháng 11-2023, SMC đã bán đất và tài sản tại SMC Bình Dương.
Giữa tháng 4 năm nay, hội đồng quản trị SMC đã thông qua nghị quyết chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất ở địa chỉ số 681 Điện Biên Phủ với giá 170 tỉ đồng. Theo thông tin từ báo cáo tài chính, tòa nhà tại số 681 Điện Biên Phủ cũng là trụ sở của công ty.
Nhiều bệnh truyền nhiễm ở TP.HCM tăng nhẹ
Tin tức từ báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) ngày 24-9, từ ngày 16 đến 22-9, tại TP ghi nhận nhiều bệnh truyền nhiễm đều tăng nhẹ, bao gồm: tay chân miệng, sốt xuất huyết và sởi.
Trẻ tiêm vắc xin sởi tại Trường tiểu học Phạm Hùng (huyện Bình Chánh, TP.HCM) - Ảnh: TIẾN QUỐC
Bệnh tay chân miệng có 371 ca, tăng 26,7% so với trung bình 4 tuần trước. Tổng số ca mắc bệnh tay chân miệng từ đầu năm 2024 đến ngày 22-9 là 11.825 ca.
Ghi nhận 328 ca mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng 8,3% so với trung bình 4 tuần trước. Tổng số ca sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay là 7.337 ca.
Ghi nhận 96 ca bệnh sởi, tăng 13,6% so với trung bình 4 tuần trước (84,5 ca), trong đó có 78 ca nhập viện, không có ca tử vong. Tổng số ca sởi từ đầu năm đến nay là 743 ca.
Tin tức chính trên Tuổi Trẻ nhật báo hôm nay 25-9. Để đọc Tuổi Trẻ báo in phiên bản E-paper, mời bạn đăng ký Tuổi Trẻ Sao TẠI ĐÂY
Tin tức thời tiết hôm nay 25-9
Bình minh Ngũ Hành - Ảnh: NGUYỄN HỮU TẤN
Đăng thảo luận