Thứ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Danh Huy khẳng định Việt Nam làm đường sắt tốc độ cao sẽ bằng nguồn ngân sách và ít chịu ràng buộc chuyển giao công nghệ nước ngoài.
Chiều 1/10, trao đổi với báo chí về dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy cho biết Bộ Giao thông Vận tải đã có 18 năm nghiên cứu về dự án đường sắt tốc độ cao, tổ chức nhiều đoàn công tác đi học tập kinh nghiệm các nước.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam được nghiên cứu tổng mức đầu tư sơ bộ là 1.713.594 tỷ đồng (khoảng 67,34 tỷ USD), dự kiến do ngân sách trung ương bố trí theo các kỳ trung hạn, nguồn vốn từ trái phiếu chính phủ, đóng góp các địa phương và huy động có chi phí thấp. "Với tinh thần độc lập, tự lập, tự cường và tự chủ, Bộ Chính trị đã quyết định không phụ thuộc vào nước ngoài, bởi vay bất kỳ quốc gia nào cũng sẽ phải ràng buộc", ông Huy nói.
Theo Thứ trưởng Huy, việc vay vốn nước ngoài thường đi kèm với điều kiện, do đó nếu cần vay thì số vốn không lớn để chịu ít ràng buộc và điều kiện là phải chuyển giao công nghệ cho Việt Nam. Việc lựa chọn công nghệ cho tàu tốc độ cao sẽ không chỉ xem xét giá thành mà còn khả năng chuyển giao công nghệ.
Nếu có sự tham gia của nhà thầu nước ngoài, điều kiện tiên quyết là phải sử dụng dịch vụ hàng hóa mà trong nước sản xuất được, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước tham gia với giá trị xây dựng lên tới 34 tỷ USD. Hiện nay, ngành giao thông đã có đội ngũ nhà thầu tự lực làm được phần cầu đường, hầm, cầu dây văng để tham gia dự án.
Bộ Giao thông Vận tải đánh giá với năng lực, trình độ ở trong nước hiện nay, khả năng nội địa hóa, làm chủ công nghệ giữa các dải tốc độ 250 km/h, 300 km/h, 350 km/h là tương tự nhau. Nghiên cứu cho thấy nếu được chuyển giao công nghệ và có một số cơ chế chính sách thích hợp, Việt Nam có thể làm chủ toàn bộ công nghiệp xây dựng, tự chủ toàn bộ công tác vận hành, bảo trì và từng bước nội địa hóa sản xuất một số linh kiện, phụ tùng thay thế.
Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy. Ảnh: Giang Huy
Tàu tốc độ thiết kế 350 km/h sẽ hiệu quả hơn
Theo Bộ Giao thông Vận tải, tốc độ tàu 250 km/h đã phát triển cách đây khoảng 50 năm và phổ biến khoảng 25 năm trở về trước, phù hợp với các tuyến ngắn và trung bình. Tốc độ 350 km/h và cao hơn đang là xu thế phát triển trên thế giới, phù hợp với các tuyến đường dài từ 800 km trở lên, tập trung nhiều đô thị có mật độ dân số cao như hành lang Bắc Nam.
Xu thế hiện nay là cự ly trung bình và dài từ 800 km trở lên thì đa số nước chọn tốc độ 350 km/h. Tại Trung Quốc, một số chuyên gia cho rằng tuyến đường sắt tốc độ 250 km/h khi đưa lên tốc độ 350 km/h khó khả thi. Tại Nga, từ Moscow đến St Petersburg đã có tuyến đường sắt tốc độ 160 km/h, song người Nga đang đầu tư mới tuyến 360 km/h vì việc nâng cấp không hiệu quả.
Theo tính toán của tư vấn, trên chặng Hà Nội - TP HCM, tốc độ 350 km/h có khả năng thu hút hành khách cao hơn khoảng 12,5% so với 250 km/h. Chi phí đầu tư tốc độ 350 km/h cao hơn 250 km/h khoảng 8-9%. Tuy nhiên, nếu đầu tư đường sắt tốc độ 250 km/h thì sau này muốn nâng cấp lên 350 km/h sẽ khó.
"Thiết kế tàu tốc độ 350 km/h hấp dẫn hơn, hiệu quả hơn và có khả năng thu hút lượng hành khách cao hơn so với 250 km/h, mặc dù chi phí đầu tư hạ tầng cao hơn", Thứ trưởng Huy nói.
Hoàn thành toàn tuyến vào cuối năm 2035
Về lộ trình đầu tư, trong năm 2025-2026, ngành giao thông dự kiến đấu thầu lựa chọn tư vấn quốc tế, khảo sát lập báo cáo nghiên cứu khả thi. Đến cuối năm 2027, dự án được triển khai giải phóng mặt bằng, đấu thầu lựa chọn nhà thầu và khởi công các dự án thành phần đoạn Hà Nội - Vinh và Nha Trang - TP HCM.
Trong giai đoạn 2028-2029, ngành sẽ đấu thầu lựa chọn nhà thầu và khởi công các dự án thành phần đoạn Vinh - Đà Nẵng, Đà Nẵng - Nha Trang và hoàn thành toàn tuyến vào cuối năm 2035.
Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy nhận định các dự án hạ tầng thường vướng mắc giải phóng mặt bằng, nhiều dự án dự kiến giải phóng mặt bằng 3 năm nhưng kéo dài lên 5-6 năm, chủ đầu tư thậm chí bị nhà thầu kiện. Tuy nhiên, đường sắt tốc độ cao Bắc Nam là dự án đặc biệt nên sẽ được làm với quyết tâm chính trị cao nhất, huy động nguồn lực cả trong và ngoài nước.
Ông Vũ Hồng Phương, Giám đốc Ban quản lý dự án đường sắt, cho biết đây là dự án đặc biệt quan trọng của quốc gia nên cần chính sách đặc thù, đặc biệt để dự án hoàn thành trước năm 2035. "Chúng tôi sẽ đề xuất chính sách đặc thù để đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư, hạ tầng kỹ thuật", ông nói.
Đường sắt tốc độ cao Bắc Nam được xây mới, đường đôi, khổ 1.435 mm, điện khí hóa, tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; chiều dài 1.541 km với 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa. Tuyến đường này sẽ vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh và có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết. Tuyến đường sắt Bắc Nam hiện hữu sẽ vận chuyển hàng hóa và khách du lịch chặng ngắn. Đây là điểm mới so với phương án trước đây là đường sắt tốc độ cao chỉ chạy tàu khách với 14 nhà ga, không có ga hàng hóa.
Dự án sẽ được xem xét thông qua chủ trương đầu tư dự án trong kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 15 khai mạc ngày 20/10.
Đoàn Loan
Đăng thảo luận