Theo đó, UBND TP Hồ Chí Minh sẽ là cơ quan quyết định thi tuyển, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông là cơ quan tổ chức thi tuyển.

Đối tượng tham dự cuộc thi là các đơn vị tư vấn thiết kế có am hiểu chuyên ngành kiến trúc, quy hoạch, giao thông cầu đường, có đủ năng lực hoạt động, uy tín, có kinh nghiệm thực tế liên quan và hành nghề thiết kế công trình giao thông đường bộ theo quy định pháp luật hiện hành.

TP Hồ Chí Minh sẽ thi tuyển phương án kiến trúc nút giao thông Bình Thái  第1张 Tổng quan tiến độ dự án Vành đai 2 TP Hồ Chí Minh - ảnh minh họa

Thời gian tổ chức thi tuyển khoảng 75 ngày sau khi UBND TP Hồ Chí Minh phê duyệt Kế hoạch thi tuyển.

Địa điểm tổ chức cuộc thi tại Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP Hồ Chí Minh.

Tổng giá trị giải thưởng là 300 triệu đồng. Trong đó, 1 giải Nhất trị giá 150 triệu đồng, 1 giải Nhì trị giá 100 triệu đồng và 1 giải Ba 50 triệu đồng.

Cũng theo UBND TP Hồ Chí Minh, lý do và mục đích cuộc thi tuyển là tìm ý tưởng phương án thiết kế kiến trúc công trình tối ưu có tính khả thi, độc đáo, hiện đại, đặc sắc và đảm bảo yêu cầu kỹ thuật đối với công trình giao thông theo quy định.

Bên cạnh đó, công trình sẽ là điểm nhấn cho cảnh quan khu vực cửa ngõ quan trọng của TP Thủ Đức kết nối TP Hồ Chí Minh và các khu vực lân cận.

Phương án thiết kế kiến trúc nút giao thông Bình Thái được chọn sẽ là cơ sở để lập, thẩm định và phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng dự án thành phần 1, thuộc dự án xây dựng Vành đai 2 TP Hồ Chí Minh, đoạn từ cầu Phú Hữu đến đường Võ Nguyên Giáp, TP Thủ Đức.

Được biết, theo thiết kế, đường vành đai 2 TP Hồ Chí Minh được quy hoạch từ năm 2007, có tổng chiều dài dài 64 km với quy mô 6 - 10 làn xe.

Tuyến đường này bắt đầu từ đường Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh) qua cầu Phú Mỹ (quận 7), tiếp tục ra ngã tư Bình Thái nối vào nút giao Gò Dưa (TP Thủ Đức), điểm cuối ra Quốc lộ 1, rồi chạy vòng về Nguyễn Văn Linh tạo thành đường bao quanh TP Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, đến nay, toàn tuyến chỉ có 50 km được hoàn thành, còn lại 14 km còn lại vẫn là những đoạn cỏ mọc um tùm, máy móc trơ trọi dưới nắng mưa.

Trong đó, đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa (TP Thủ Đức) dài 2,7 km được triển khai từ năm 2017;

Đoạn từ cầu Phú Hữu đến đường Võ Nguyên Giáp (TP Thủ Đức), dài 3,5 km hiện đang giải phóng mặt bằng;

Đoạn từ đường Võ Nguyên Giáp đến đường Phạm Văn Đồng (TP Thủ Đức) dài 2,8 km hiện đang giải phóng mặt bằng.

Hiện các đoạn đi qua địa bàn TP Thủ Đức vừa nêu đang được các đơn vị tập trung bồi thường giải phóng mặt bằng, phấn đấu khởi công trong quý II/2025.

Riêng đoạn từ Quốc lộ 1 đến đường Nguyễn Văn Linh dài 5,3 km đang được nghiên cứu, trình Sở Kế hoạch và Đầu tư điều chỉnh nhiệm vụ, cân đối nguồn vốn, nếu thuận lợi, trong kỳ họp sắp tới sẽ trình chủ trương đầu tư.

Dự kiến năm 2026 đường vành đai 2 TP Hồ Chí Minh cơ bản khép kín.