Sự kiện "bắt giữ" sông ở dãy Himalaya cách đây 89.000 năm có thể dẫn đến mất khối lượng đất lớn và đẩy đỉnh Everest lên cao 50 m.

Sự kiện khiến đỉnh Everest cao bất thường  第1张

Đỉnh Everest có thể cao bất thường do sự kiện "chiếm giữ" sông cách đây 89.000 năm. Ảnh: Kafi9944

Với độ cao 8.848,86 m so với mực nước biển, đỉnh Everest là điểm cao nhất trên đất liền. Tuy nhiên, đỉnh núi này cao hơn mức vốn có, theo Adam Smith, nhà nghiên cứu tại Khoa Khoa học Trái Đất thuộc Đại học College London. Ở dãy Himalaya, sự chênh lệch độ cao giữa hầu hết các đỉnh núi là khoảng 50 - 100 m. Nhưng Everest cao hơn K2, ngọn núi cao thứ hai, đến 250 m. "Điều này có thể gợi ý rằng có điều gì đó thú vị đang diễn ra", Smith nói.

Dữ liệu GPS cho thấy Everest đang cao thêm với tốc độ khoảng 2 mm mỗi năm, lớn hơn tốc độ tăng dự kiến của dãy Himalaya. Để tìm ra nguyên nhân gốc rễ, các nhà khoa học, bao gồm Smith, nghiên cứu xem những dòng sông kỳ lạ ở Himalaya có khiến ngọn núi này cao lên hay không. Nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí Nature Geoscience hôm 30/9.

"Sông Arun kỳ lạ vì nó chảy theo hình chữ L. Đa số sông trông giống cây với thân tương đối thẳng và các nhánh (phụ lưu) chảy vào thân. Tuy nhiên, Arun chảy theo hướng đông - tây ở phần thượng lưu, sau đó rẽ ngoặt 90 độ và chảy về phía nam qua Himalaya. Điều này gợi ý rằng có thể dòng sông đã thay đổi hình dạng gần đây và bị một dòng sông khác bắt giữ", Smith giải thích.

Trong nghiên cứu mới, nhóm chuyên gia sử dụng mô hình số để mô phỏng cách mạng lưới sông Kosi - chảy qua Trung Quốc, Nepal, Ấn Độ - phát triển qua thời gian. Sau đó, họ so sánh mô hình với địa hình hiện tại để xác định mô phỏng nào là khớp nhất.

Kết quả, sông Arun (hiện là một phụ lưu chính của sông Kosi), cách Everest khoảng 75 km, bị Kosi "bắt giữ" khoảng 89.000 năm trước. Dòng sông bị chuyển hướng này dẫn đến sự gia tăng xói mòn sông, tạo ra hẻm Arun đồ sộ. Sự hình thành của hẻm núi và sự xói mòn của dòng sông đã loại bỏ một khối lượng lớn đất, khiến vùng xung quanh nhẹ hơn và tạo điều kiện cho núi Everest dâng lên. Theo các mô hình, ngọn núi đã cao thêm 15 - 50 m kể từ sự kiện bắt giữ.

Nhóm nghiên cứu chưa rõ điều gì dẫn đến sự bắt giữ này. Có thể do dòng sông này xói mòn vào dòng sông kia. Một khả năng khác là một hồ băng bị tràn nước, gây ra trận lũ thảm khốc cuốn trôi rào chắn tự nhiên giữa sông Kosi và Arun.

Everest dự kiến tiếp tục phát triển cho đến khi mạng lưới sông hoàn toàn phản ứng xong với những thay đổi, Smith cho biết. Bước tiếp theo trong nghiên cứu có thể là xem xét kỹ hơn hẻm núi và những nơi khác mà sông Arun chảy qua. Điều này sẽ giúp nhóm nghiên cứu xác định chính xác hơn thời điểm xảy ra sự kiện bắt giữ.

Thu Thảo (Theo Live Science)