Sách của "một trong những nhà văn vĩ đại nhất nước Mỹ" cho người bắt đầu
(Dân trí) - The Guardian gợi ý một số sách cho người mới biết và bắt đầu đọc Cormac McCarthy - "một trong những nhà văn vĩ đại nhất lịch sử nước Mỹ".
Cormac McCarthy (1933 - 2023) được coi là một trong những nhà văn vĩ đại nhất lịch sử nước Mỹ. Gia tài của ông gồm 12 tiểu thuyết, 2 vở kịch, 5 kịch bản phim và 3 truyện ngắn, hầu hết đều được độc giả phương Tây đón nhận.
Phong cách của McCarthy điển hình bởi cách miêu tả bạo lực và lối dẫn truyện đặc trưng, ít khi sử dụng các dấu chấm câu cũng như chú thích.
Ông đã bỏ học Đại học Tennessee hai lần, gia nhập lực lượng không quân Mỹ trong bốn năm. Năm 1959, ông bắt đầu viết tiểu thuyết. Trong sự nghiệp sáng tác, McCarthy đã thắng giải văn học lớn Pulitzer, đoạt Giải Sách Mỹ và Giải thưởng của Hiệp hội phê bình Mỹ.
Ông qua đời vì nguyên nhân tự nhiên tại nhà riêng ở Santa Fe vào ngày 13/6/2023.
Nhà văn Stephen King viết trên Twitter: "Cormac McCarthy có lẽ là tiểu thuyết gia Mỹ vĩ đại nhất trong thời đại của tôi. Ông ấy sống những năm tháng sống trọn vẹn và tạo ra loạt tác phẩm tuyệt vời. Tôi vô cùng thương tiếc".
The Guardian gợi ý một số sách cho người mới biết và bắt đầu đọc Cormac McCarthy.
Cormac McCarthy - một trong những nhà văn vĩ đại nhất lịch sử nước Mỹ (Thiết kế: The Guardian).
Sách cho người mới bắt đầu
Độc giả bắt đầu tìm hiểu Cormac McCarthy, có thể tìm đọc All the Pretty Horses (Những con tuấn mã, 1992).
Đây là phần đầu tiên trong bộ Border Trilogy của McCarthy, đã mang lại cho tác giả Giải thưởng Sách quốc gia Hoa Kỳ năm 1992 và được chuyển thể thành phim với sự tham gia của Matt Damon và Penélope Cruz.
Lấy bối cảnh ở miền Tây Nam nước Mỹ, phim kể câu chuyện về hai người bạn, John Grady và Lacey Rawlins, quyết định du lịch đến Mexico và gặp rắc rối khi cố gắng lấy lại một con ngựa bị đánh cắp.
Điều khiến câu chuyện dễ tiếp cận hơn hầu hết các tác phẩm khác là McCarthy cho phép các nhân vật của mình tương tác hoàn toàn với nhau. Grady thậm chí phải lòng một người phụ nữ quyến rũ - một điều hiếm thấy trong vũ trụ hư cấu của McCarthy.
Cuốn sách hay nhất
Blood Meridian (1985) là tiểu thuyết với nội dung khá tàn bạo, kể về một thiếu niên kết bạn với hội côn đồ. Chúng không ngại cướp bóc và giết chóc ở những nơi từng đi qua.
Giống như phần lớn tác phẩm của McCarthy, cuốn tiểu thuyết này gần như không có cốt truyện. Vẻ đẹp của tác phẩm nằm ở ngôn ngữ trữ tình sâu sắc, dệt nên một tấm thảm thông qua phong cảnh và các nhân vật.
Bìa sách "Blood Meridian" (Ảnh: Amazon).
Kinh điển
Trong khi Blood Meridian được nhiều người coi là tác phẩm vĩ đại nhất của McCarthy, thì The Road (Con đường, 2006) lại được công nhận là tác phẩm kinh điển đúng nghĩa của nó, đặc biệt trong tuyến tiểu thuyết hậu tận thế.
Sau hậu quả của một thảm họa toàn cầu không rõ nguyên nhân, một người đàn ông giấu tên cùng con trai đi bộ qua vùng đất bị đốt cháy từng là nước Mỹ. Khung cảnh ảm đạm và nhức nhối vẽ ra một cuộc hành trình đi vào bóng tối.
Trong một cuộc phỏng vấn, McCarthy nói rằng nguồn cảm hứng cho cuốn sách bắt nguồn từ chuyến đi đến El Paso, Texas năm 2003, cùng cậu con trai nhỏ.
Ông mường tượng thành phố có thể trông như thế nào trong 50 đến 100 năm nữa, hình dung ra "những đám lửa trên ngọn đồi" rồi nghĩ về đứa con của mình.
McCarthy đã ghi chép vài bản thảo ban đầu nhưng bỏ dở nó cho đến vài năm sau, khi ông ở Ireland. Sau đó, ý tưởng cho cuốn tiểu thuyết đến với ông nhanh chóng, chỉ mất 6 tuần để hoàn thành và ông đã dành tặng nó cho cậu con trai John Francis McCarthy.
Cuốn tiểu thuyết đã được trao giải Pulitzer năm 2007 và giải Tưởng niệm James Tait Black năm 2006. Năm 2009, The Road được chuyển thể thành một bộ phim điện ảnh do John Hillcoat làm đạo diễn.
Michael K Williams trong bộ phim chuyển thể "The Road" năm 2009 (Ảnh: Dimension Films/2929 Productions/Allstar).
Cuốn sách không nên bỏ lỡ
The Crossing (Vượt lằn ranh, 1994) xoay quanh hành trình của cậu thiếu niên 16 tuổi Billy Parham và em trai Boyd.
Bị thu hút bởi một con sói bí ẩn đã tấn công đàn gia súc của gia đình, Billy đã đặt bẫy và bắt được con thú. Thay vì giết nó, cậu lại ngẫu hứng vượt biên giới qua những dãy núi Mexico để đưa con sói trở về bản quán của nó.
Khi trở về nhà, Billy thấy thế giới của mình đã thay đổi không thể cứu vãn được. Trải qua nhiều biến cố, cậu đã không còn nhìn cuộc sống với một tâm hồn non nớt, ngây thơ và một lần nữa biên giới lại vẫy gọi cậu bằng vẻ đẹp hoang liêu, ẩn tàng sự tàn khốc.
Cuốn sách không dành cho người yếu tim
Child of God (1973) có cốt truyện kinh điển kiểu McCarthy: một kẻ suy đồi đạo đức, bị gia đình và xã hội cô lập, trôi bạt khắp thế giới.
Tiểu thuyết kể về Lester Ballard bị thô bạo đuổi khỏi nhà, trở thành vô gia cư. Sau khi ra tù vì cáo buộc hiếp dâm, Ballard đi lang thang săn lùng và giết hại người dân để thỏa mãn những ham muốn kỳ lạ của mình.
Có những chi tiết trong tác phẩm có thể gây sốc, ngay cả với những người hâm mộ cuồng nhiệt nhất của McCarthy.
Bìa sách "Child of God" (Ảnh: Amazon).
Cuốn sách đáng được quan tâm hơn
Suttree (1979), cuốn tiểu thuyết thứ 4 của McCarthy, là một trong những tác phẩm mang lại cảm giác thỏa mãn nhất về mặt nghệ thuật trong thời kỳ hiện đại.
Tác phẩm tập trung vào Suttree - người đàn ông đã bỏ rơi vợ và con trai, sống một mình trong nhà thuyền đổ nát trên sông Tennessee. Suttree không có sự gắn bó rõ ràng với bất cứ điều gì và những mối quan hệ lãng mạn mà anh ấy theo đuổi đều kết thúc tồi tệ.
McCarthy không bao giờ cho phép người kể chuyện ở ngôi thứ ba đi sâu vào tâm lý nhân vật, thay vào đó trình bày chúng thông qua cử chỉ. Nhưng chính qua những cử chỉ này, độc giả mới thấy được hình ảnh đầy đủ về một nhân vật thực sự đáng nhớ.
Đăng thảo luận