'Chúng ta đang trải qua giai đoạn mà người trẻ bị vắt đến kiệt quệ cả thể chất và tinh thần; làm nhiều, nghỉ ít nhưng năng suất không tăng'.
"Hai vợ chồng tôi là công chức viên chức. Mang tiếng là được nghỉ hai ngày cuối tuần, nhưng thực tế cả hai chúng tôi vẫn phải đi làm 'bục mặt' và gần như không có ngày nghỉ. Vợ tôi làm ở chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai, tối nào tôi cũng phải hỗ trợ làm giúp công việc còn tồn đọng ở cơ quan. Thực sự rất mệt mỏi. Con cái chúng tôi cũng không chăm được. Thế nên, phải hiện đại hóa, giải phóng sức lao động của con người. Chứ nếu quy định thêm ngày nghỉ mà công việc vẫn còn đó thì có nghỉ cũng chẳng thảnh thơi".
Đó là chia sẻ của độc giả Vũ Hải Nam xung quanh câu chuyện thời gian làm việc của người Việt. Luật lao động hiện hành quy định, mỗi tuần người lao động làm không quá 48 giờ. Nghĩa là người sử dụng lao động có thể yêu cầu người lao động làm ít nhất 6 ngày mỗi tuần, 8 giờ mỗi ngày.
Tuy nhiên, theo dữ liệu Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) công bố, Việt Nam thuộc nhóm các nước có thời gian làm việc cao nhất thế giới và khu vực. Năm 2023, người Đông Nam Á làm việc trung bình 40,1 giờ/tuần. Tổng thời gian làm việc trong năm ở Việt Nam (đã trừ thời gian nghỉ lễ) là 2.320 giờ, cao hơn Indonesia 440 giờ, hơn Campuchia 184 giờ, hơn Singapore 176 giờ...
Nói về những áp lực làm việc của người lao động Việt, bạn đọc Hùng Minh thừa nhận: "Cách đây hơn chục năm, lúc còn độc thân, tôi từng làm việc 14 tiếng mỗi ngày. Lúc đấy, còn sức trẻ, cộng thêm nhiệt huyết, nên tôi làm nhiều, và tiền cũng nhiều theo. Thực tế, tôi chỉ rảnh đúng ngày chủ nhật, còn thứ bảy có khi vẫn đi làm cho hết việc. Nhưng đến khi có gia đình, con cái, tôi cũng phải chào thua với cường độ làm việc đó".
Cho rằng năng suất lao động thấp không phải lý do để người Việt phải làm việc nhiều, độc giả Mirae phân tích: "Người ta hay nói năng suất lao động Việt Nam thấp như một lý do để bó buộc việc tăng lương và giảm giờ làm. Thực tế, tôi đã làm qua nhiều công ty của Nhật Bản, Italia, Hàn Quốc... thấy rằng việc năng suất lao động tăng cao phụ thuộc nhiều vào tự động hóa, giảm thao tác, giảm chi phí công đoạn, chứ không phải thời gian làm việc. Việc làm đến 12 tiếng một ngày là điều không ai muốn, nhưng vì lương thấp mà người lao động bắt buộc phải làm thêm để có tiền trang trải cuộc sống".
>> '10 năm đi làm không dám nghỉ phép một ngày nào'
Bày tỏ lo ngại về việc thời gian làm việc của người Việt quá cao, bạn đọc Vu nhận định: "Guồng máy công nghiệp đang như một cỗ máy 'vắt kiệt' sức lao động theo đúng nghĩa đen. Nhân viên văn phòng như tôi thực tế làm việc như 'xuyên không'. Đi tắm còn phải mang điện thoại theo vì sợ tiếng chuông đổ đến mức trầm cảm là có thật. Nói là quản lý theo đầu việc, nhưng thực tế các deadline đang được giao đến mức bội thực. Chưa kể, mỗi người phải tự dành thời gian nâng cấp trình độ bản thân liên tục để tránh tụt hậu...
Nhìn rộng ra, chúng ta đang trải qua một giai đoạn mà người trẻ bị vắt đến kiệt quệ cả thể chất và tinh thần, nhưng dường như vẫn bị đuối dần. Cần lắm sự vào cuộc của cơ quan quản lý, nghiên cứu bài bản, tổng thể để kiểm soát dần 'guồng máy' vận động của xã hội công nghiệp hiện nay trong môi trường lao động".
Ủng hộ tăng ngày nghỉ, giảm giờ làm, độc giả Kid kết lại: "Tôi thấy rất khó hiểu khi nhiều người hay chỉ trích mỗi khi có đề xuất tăng thêm ngày nghỉ, với lý lẽ theo kiểu 'nghèo thì không nên nghỉ nhiều, phải làm nhiều hơn để thoát nghèo'. Những người đó không thể hiểu được một điều rằng số tiền kiếm được tỷ lệ thuận với năng suất lao động. Mà năng suất lao động lại phụ thuộc rất nhiều vào sức khỏe thể chất và tinh thần của người lao động. Mà để nâng cao hai yếu tố đó, chỉ có cách là cho người lao động thêm thời gian nghỉ ngơi.
Số ngày nghỉ lễ của người Việt hiện nằm trong top thấp của khu vực và thế giới, thua xa Nhật, Hàn, Đức..., đồng nghĩa với việc số ngày làm việc của ta nằm trong top cao nhất. Tuy nhiên, năng suất lao động của ta lại thuộc nhóm thấp nhất. Tôi luôn ủng hộ việc có thêm ngày nghỉ lễ. Trung bình cứ khoảng ba tháng nên có một kỳ nghỉ dài khoảng một tuần, như vậy vừa kích cầu, vừa giúp người lao động có thời gian hồi phục sức khỏe, qua đó tăng năng suất lao động".
- Thêm hai ngày nghỉ Quốc Khánh
- Cần nhiều ngày nghỉ trước Tết
- 'Người Việt có quá ít kỳ nghỉ lễ dài ngày'
- Ngày nghỉ là điều xa xỉ với nhiều lao động Việt
- '12 ngày nghỉ phép một năm có như không'
- 'Người Việt cần thêm ngày nghỉ'
Đăng thảo luận