Đồng bào dân tộc thiểu số các xã biên giới Tả Ngài Chồ (Mường Khương), Trịnh Tường (Bát Xát), Bản Phiệt (Bảo Thắng) tích cực thi đua sản xuất, nỗ lực phát triển kinh tế. Nhờ đó diện mạo vùng biên giới Lào Cai ngày càng khởi sắc.

Lào Cai là tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhưng chưa tương xứng với tiềm năng. Đặc biệt, khu vực biên giới có 26 xã, phường, thị trấn biên giới (23 xã, 2 phường và 1 thị trấn) thuộc 5 huyện, thành phố; tổng số hộ của các xã biên giới là hơn 19.000 hộ, chiếm 13% dân số toàn tỉnh; tỷ lệ hộ nghèo vẫn cao.

Những năm qua, nhờ triển khai hiệu quả chủ trương phát triển nông nghiệp hàng hóa, trong đó tập trung phát triển chăn nuôi và trồng cây ăn quả (trồng quýt), nhiều hộ dân trên địa bàn các xã, huyện biên giới Lào Cai như xã Tả Ngài Chồ, huyện Mường Khương; xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát; xã Bản Phiệt, huyện Bảo Thắng...  đã cải thiện được thu nhập, thay đổi diện mạo nông thôn mới.

Trên địa bàn các xã biên giới còn hình thành nhiều loại hình kinh tế mới, như thành lập các tổ đội xây dựng, kinh doanh vận tải, phát triển nghề may, thêu thổ cẩm... tạo công ăn việc làm ổn định cho người dân. 

Phát triển kinh tế giúp diện mạo vùng biên giới Lào Cai khởi sắc  第1张 Phát triển kinh tế giúp diện mạo vùng biên giới Lào Cai khởi sắc.

Theo thống kê ban đầu, tại thôn Tân Quang, xã biên giới Trịnh Tường, huyện Bát Xát có 141 hộ thì 116 hộ có nhà xây kiên cố. Hiện cả thôn chỉ còn 5 hộ nghèo.

Những năm qua, Tân Quang tập trung vào 3 mũi nhọn phát triển kinh tế, đó là lâm nghiệp, chăn nuôi gia súc và thủy sản. Có những hộ mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình nông nghiệp công nghệ cao, làm nhà lưới, ươm giống cây ăn quả, phát triển nông nghiệp hữu cơ...

Nhiều thôn, bản vùng cao hoang sơ, heo hút ở biên giới tỉnh Lào Cai đã trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế vùng biên, đi đầu các phong trào thi đua yêu nước. Bộ mặt nông thôn của các huyện vùng biên của tỉnh Lào Cai được thay đổi rõ nét; đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của người dân được nâng lên.

Đơn cử như thôn biên giới Lũng Pô, xã A Mú Sung, huyện Bát Xát, nơi sinh sống của hơn 80 hộ đồng bào dân tộc Mông, Dao, Hà Nhì có thu nhập bình quân 34 triệu đồng/người/năm; thôn người Dao Nậm Sò, xã Bản Phiệt, huyện Bảo Thắng hiện không còn hộ nghèo và tỷ lệ hộ cận nghèo dưới 10%; hai thôn biên giới Lao Chải và Chúng Chải B, thị trấn Mường Khương trở thành “thủ phủ” quýt của huyện Mường Khương với tổng diện tích hơn 100 ha...