Vài ngày sau khi được tại ngoại, CEO Telegram Pavel Durov cho biết nền tảng sẽ cải thiện kiểm duyệt nhằm loại bỏ các hoạt động bất hợp pháp.
"99,999% người dùng Telegram không liên quan đến tội phạm, nhưng 0,001% liên quan đến hoạt động bất hợp pháp đã tạo hình ảnh xấu cho toàn bộ nền tảng, đặt lợi ích của gần một tỷ người dùng của chúng tôi vào rủi ro", Pavel Durov viết trên tài khoản riêng hiện có 12,2 triệu người theo dõi ngày 6/9. "Đó là lý do năm nay, chúng tôi cam kết biến kiểm duyệt trên Telegram từ một vấn đề bị chỉ trích thành một việc được khen ngợi".
CEO Telegram Pavel Durov. Ảnh: TechCrunch
Durov không nêu rõ chi tiết về những biện pháp Telegram sẽ làm. Tuy nhiên, ông cho biết ứng dụng đã vô hiệu hóa tính năng tải lên phương tiện mới cho công cụ viết blog độc lập, mà theo ông "có vẻ đã bị lạm dụng bởi các tác nhân ẩn danh", bị những người này "sử dụng sai mục đích".
Bên cạnh đó, Telegram cũng loại bỏ tính năng tìm người lân cận People Nearby vì "có vấn đề với bot và kẻ lừa đảo". Thay vào đó, nền tảng giới thiệu những doanh nghiệp hợp pháp, đã được xác minh ở gần người dùng.
Trong bài đăng trước đó và 5/9, Durov cho biết Telegram không hoàn hảo, nhưng "thật đáng ngạc nhiên" khi ông phải chịu trách nhiệm về nội dung do người khác đăng trên nền tảng. "Sử dụng luật từ thời kỳ trước khi có điện thoại thông minh để buộc tội một CEO về những hành động phạm pháp do bên thứ ba gây ra trên ứng dụng họ quản lý là cách tiếp cận sai lầm", ông viết.
Bên cạnh đó, ông khẳng định: "Những tuyên bố trên một số phương tiện truyền thông rằng Telegram là một loại thiên đường vô chính phủ là hoàn toàn sai sự thật. Chúng tôi xóa hàng triệu bài đăng và kênh có hại mỗi ngày".
Theo Reuters, đây được xem là những thay đổi đầu tiên được Durov công bố kể từ khi bị bắt tại Pháp tháng trước và được tại ngoại. Vụ bắt giữ gây chấn động ngành công nghệ toàn cầu, đặt ra loạt câu hỏi về giới hạn của quyền tự do ngôn luận trực tuyến, việc quản lý các nền tảng truyền thông xã hội và liệu chủ sở hữu của chúng có phải chịu trách nhiệm pháp lý đối với hành vi phạm tội của người dùng hay không.
"Thật tốt khi Durov bắt đầu coi trọng việc kiểm duyệt nội dung. Nhưng cũng giống như Elon Musk và các CEO công nghệ khác đã nhận ra trước đây, nếu anh ấy nghĩ việc này chỉ đơn giản là thực hiện vài thay đổi nhỏ, anh ấy sẽ phải thức tỉnh ngay thôi", Katie Harbath, cựu giám đốc chính sách công tại Meta, hiện là cố vấn cho các công ty về các vấn đề công nghệ, nói.
Durov, 40 tuổi, sáng lập Telegram năm 2013. Dự án xuất phát từ quan điểm chống lại các quy định của chính phủ trong việc theo dõi người dân và niềm tin rằng mọi người cần một hệ thống nhắn tin mã hóa để giao tiếp. Ông định vị Telegram là "nơi trú ẩn cho ngôn luận tự do và an toàn". Tuy nhiên, chính tính năng bảo vệ danh tính, giúp tránh sự giám sát của cơ quan thực thi pháp luật trong khi thiếu kiểm duyệt nội dung, Telegram đã cho phép các nhóm lừa đảo hoạt động, các phần tử cực đoan giao tiếp và tuyển dụng thành viên.
Ngày 24/8, Durov bị bắt tại Pháp với lý do nền tảng nhắn tin từ chối hợp tác với chính quyền nhằm ngăn chặn sự lan truyền của nội dung khiêu dâm trẻ em, ma túy và rửa tiền. Bốn ngày sau, ông được tại ngoại nhưng phải bảo lãnh 5,5 triệu USD, bị cấm xuất cảnh và đối mặt nhiều tội danh liên quan đến hoạt động bất hợp pháp trên ứng dụng.
Bảo Lâm (theo Reuters)
- Tại sao vụ bắt CEO Telegram tạo ra làn sóng phản ứng?
- Pavel Durov - tỷ phú công nghệ quyền lực của Telegram
- Hành trình của CEO Telegram trước khi bị bắt
Đăng thảo luận
2024-10-27 20:53:57 · 来自61.233.229.197回复
2024-10-27 21:03:57 · 来自121.77.139.114回复
2024-10-31 14:14:23 · 来自121.77.22.218回复
2024-10-31 14:23:57 · 来自139.204.202.35回复
2024-10-31 14:34:03 · 来自61.234.94.104回复