Vỏ sò, sò điệp, vỏ hàu cũng như vỏ của một số loài nhuyễn thể khác bỗng trở thành nguyên liệu chính để sản xuất quần áo, mỹ phẩm và đồ nội thất tại Nhật Bản.
Một người phụ nữ mặc thử áo vest được làm từ vỏ sò tại cửa hàng của hãng Aoyama Trading, Nhật Bản - Ảnh: NIKKEI ASIA
Theo báo Nikkei Asia, Nhật Bản là nước nuôi và sản xuất các sản phẩm từ những loại hải sản có vỏ như sò điệp và hàu hàng đầu thế giới. Trong đó, khối lượng vỏ chiếm đến một nửa trọng lượng của sò điệp và chiếm 80% trọng lượng hàu.
Vì vậy, để tránh lãng phí cũng như bảo vệ môi trường, không ít nhà sản xuất quần áo, mỹ phẩm, đồ nội thất đã đưa vỏ sò, vỏ hàu vào các sản phẩm của mình.
Nhật Bản mở gian hàng ăn thử hải sản tại APECĐỌC NGAY
Nhà sản xuất quần áo Aoyama Trading vừa cho ra mắt bộ sưu tập vest nữ có chứa vật liệu làm từ vỏ hàu với tên gọi Sea Wool.
Đáng chú ý, những bộ vest làm từ vỏ hàu lại có giá thành rẻ hơn so với các sản phẩm khác của hãng Aoyama Trading.
Trong đó, mỗi chiếc áo vest có giá chưa đến 21.000 yen (khoảng 146 USD), trong khi mỗi chiếc quần tây có giá 9.900 yen (gần 69 USD).
"Chúng tôi hy vọng những bộ quần áo này sẽ thu hút được thế hệ trẻ có ý thức bảo vệ môi trường nhiều hơn", người phụ trách kế hoạch phát triển sản phẩm tại Aoyama Trading Saya Takai nói với tờ Nikkei Asia.
Công ty dệt may Takisada Nagoya chính là nơi đã cung cấp những cuộn vải đặc biệt chứa 70% sợi polyester được làm từ vỏ hàu nghiền nhuyễn cho nhà sản xuất Aoyama Trading.
Theo đại diện Takisada Nagoya, ý tưởng ứng dụng vỏ động vật biển trong chế biến vật liệu thời trang đến từ nhu cầu sử dụng vật liệu bền vững ngày càng tăng trên toàn cầu.
Ngoài làm quần áo, một số công ty mỹ phẩm tại Nhật Bản còn ứng dụng vỏ sò trong sản xuất các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp thiên nhiên.
Công ty mỹ phẩm Shiro có trụ sở tại thủ đô Tokyo vừa cho ra mắt một số dòng mỹ phẩm có thành phần từ vỏ bào ngư. Vỏ bào ngư lấp lánh được nghiền nhỏ càng làm tăng thêm độ thu hút người tiêu dùng.
Trong khi đó, nhà cung cấp và chế biến sò điệp Yamajin ở tỉnh Aomori lại thu thập vỏ sò điệp thừa và biến chúng thành sơn móng tay.
Cũng theo nhà máy chế biến sò điệp này, sơn móng tay từ vỏ sò điệp ít gây hại cho móng tay hơn và lớp sơn cũng có thể được rửa sạch chỉ bằng nước ấm.
Đăng thảo luận