Ai có tiền cũng ôm đất, tranh thủ mua nhà vì sợ tăng giá, thì bao giờ người Việt mới được tiếp cận giá trị thực của bất động sản?
"Cuối năm 2023, tôi thăm dò giá nhà quận Tân Phú, TPHCM, thấy giá một số chỗ khá tốt, ngang năm 2018, 2019. Tôi rất ngạc nhiên nên quyết định tìm mua bằng được. Đến tháng 5, lãi vay ngân hàng rất tốt (6 %/năm), lại tìm được lô đất đẹp, giá tốt, nên tôi chốt mua luôn.
Cách đây ba năm, tôi xem giá đất quanh nhà, cảm giác không thể mua nổi nữa vì giá cao, lãi suất cũng cao ngất ngưởng. Thế nên, tôi thấy vui và may mắn vì mua được nhà với giá quá tốt mà lãi suất ngân hàng lại mềm. Tôi khuyên các bạn nên tìm mua nhà từ sớm, tranh thủ thời điểm giá chững, lãi suất hợp lý để chốt ngay".
Đó là chia sẻ của độc giả Uyen Phung Thi Cam xung quanh câu chuyện "Tranh thủ mua nhà đất vì sợ giá tăng". Đây cũng là tâm lý chung của phần đông người Việt. Từ cuối tháng 5, nhiều người sốt sắng tìm kiếm bất động sản để mua do lo ngại giá sẽ biến động khi ba bộ luật về đất đai có hiệu lực.
Đồng quan điểm, bạn đọc QVH cho rằng: "Đất nếu mua được hãy mua sớm, không đủ thì vay ngân hàng hỗ trợ. Khi có nợ (trong kiểm soát) bạn sẽ có động lực làm việc và hạn chế chi tiêu vô bổ, mua sắm linh tinh. Bây giờ lô đất hoặc căn hộ giá 1,5 tỷ đồng nhưng sau 6-8 năm nữa sẽ là số tiền rất lớn, có thể lên thành 6-8 tỷ. Vậy nên, hãy tìm nhà cung cấp uy tín, pháp lý ổn, có giấy tờ, có thổ cư, không tranh chấp, quy hoạch... và mua ngay khi có thể".
>> Vay 1,5 tỷ mua nhà là quyết định đúng đắn của tôi
Trong khi đó, cảnh báo những hệ lụy từ tâm lý FOMO (sợ bị bỏ lỡ) của nhiều người mua nhà, độc giả Phanviet nhận định: "Đọc các bình luận bây giờ, tôi thấy hầu hết đều đồng thuận quan điểm có tiền là ôm đất. Tâm lý như vậy thì làm sao đòi giá nhà, đất xuống thấp được. Nhưng lịch sử đã chứng minh, không có gì tăng giá mãi mãi.
40 năm nay, kinh tế Việt Nam phát triển thần tốc, đời sống người dân dư dả, không còn lo cái ăn, cái mặc, nên nhiều người tìm tài sản để bỏ tiền vào. Bất động sản là một lựa chọn được ưa chuộng nhất. Nhưng 10, 20 năm nữa thì câu chuyện này sẽ không còn đúng nữa. Tốc độ tăng dân số chậm lại, tình trạng già hóa gia tăng, nhiều người chưa giàu mà đã già, sẽ tạo áp lực cực lớn".
Nhấn mạnh sai lầm khi đổ xô mua đất, bạn đọc Cà Khịa phân tích: "Bất động sản thương mại, kinh doanh được, sinh ra dòng tiền mới đáng quan tâm. Chứ nhà để ở thì vùng ven cũng được. Người Việt thường mang tâm lý FOMO, đầu cơ, nên dễ bị 'cá mập' giật dây, dễ bị đu đỉnh. Thị trường bất động sản về sau chắc chắn sẽ khác, người mua sẽ chọn lọc sản phẩm cẩn thận hơn, không phải cứ bất động sản nào cũng mua bán được như trước đây".
"Tâm lý sợ bỏ lỡ là một hệ lụy, nó khiến giá bất động sản ngày một tăng, người dân khó tiếp cận nhà ở. Ông bà xưa có câu 'an cư rồi mới lạc nghiệp'. Mong nhà nước đẩy mạnh việc đóng thuế để giảm giá bất động sản, giúp người dân có thể tiếp cận đúng giá trị thực của nhà đất. Có như thế người dân mới yên tâm làm ăn", độc giả Tiit kết lại.
- Tổng thu nhập tháng 100 triệu, gia đình tôi vẫn lo khó mua nhà
- Căn hộ 970 triệu đồng ở Hà Nội tăng giá gấp ba lần
- Không dám đi du lịch cho đến khi mua được nhà
- 'Thu nhập 60 triệu mỗi tháng vẫn phải sống khổ để mua nhà'
- Sống ung dung sau khi vay nợ 70% mua nhà 2,7 tỷ đồng
- Vợ chồng làm giàu nhờ 'bám' nhà phố cổ chật hẹp Hà Nội
Đăng thảo luận