Sau nhiều sự cố gãy, đổ gây tai nạn, hàng loạt cơ quan chủ động yêu cầu đơn vị phụ trách tại TP HCM xử lý, kiểm tra khiếm khuyết cây xanh, cổ thụ.
Đề nghị được nhiều đơn vị như Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật thành phố, UBND phường 1, 2 (quận Bình Thạnh), UBND phường Tân Định (quận 1), Văn phòng Bộ Y tế tại TP HCM... gửi Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh TP HCM.
Việc này để phối hợp kiểm tra hiện trạng cây tại các tuyến đường ở trung tâm thành phố, quận Bình Thạnh, khu di tích lịch sử - văn hóa Lăng Lê Văn Duyệt... Ở một số địa bàn, Công ty công viên cây xanh thành phố khảo sát, phát hiện nhiều cổ thụ hư hỏng, mục gốc, nghiêng, rễ nổi, già cỗi kém phát triển. Việc xử lý đã được đơn vị này thực hiện trong tháng 10 và 11.
Nhân viên Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh TP HCM cắt tỉa cây ở góc đường Võ Văn Tần và Lê Quý Đôn, quận 3. Ảnh: Minh Bằng
Ông Trần Đăng Khoa, Chủ tịch UBND phường 1 (quận Bình Thạnh), cho biết việc phối hợp kiểm tra cây đề phòng mưa lớn, giông lốc gây sự cố cho người dân, đặc biệt sau nhiều vụ việc cây xanh gây tai nạn chết người gần đây. Phường đề nghị Công ty công viên cây xanh thành phố do đơn vị này đang quản lý các cây xanh trên nhiều đường ở địa bàn, có chuyên môn nhất.
Theo Nghị định 64/2010, cây xanh thuộc danh mục bảo tồn, cây bóng mát trên đường phố đánh số, treo biển trong công viên, vườn hoa, khu vực công cộng hay cây cao từ 10 m trở lên khi chặt hạ, dịch chuyển phải được cơ quan quản lý cây xanh cho phép. Trường hợp cây chết, gãy đổ, bị bệnh, già cỗi không đảm bảo an toàn hoặc nằm trong dự án đầu tư xây công trình được miễn giấy phép.
Hiện TP HCM quản lý hơn 200.000 cây xanh trên nhiều tuyến đường, cơ quan hành chính. Đơn vị quản lý dùng nhiều thiết bị nhưng chưa ghi nhận hết các khiếm khuyết của cây như rỗng ruột, dễ gãy đổ do còn phụ thuộc vào quan sát, kinh nghiệm. Từ đầu mùa mưa, nhiều cây nhanh ngã, tét nhánh khiến người đi đường tử vong, hư hại nhà cửa, tài sản.
Đình Văn - Gia Minh
Đăng thảo luận