Vị trí đặt sai, thiếu khung bảo vệ, mái che chưa hợp lý… sẽ dẫn đến nhiều rắc rối cho gia chủ khi làm giếng trời trong nhà ống.

Giếng trời là không gian thông suốt từ tầng trệt lên mái nhà theo phương thẳng đứng, thường được sử dụng ở nhà ống có chiều dài lớn, ít cửa sổ, xung quanh bị vây kín không có mặt thoáng. Ngoài việc tăng độ giao tiếp giữa không gian trong và ngoài nhà, giếng trời còn có tác dụng lấy sáng, thông gió và tăng tính thẩm mỹ cho công trình.

Theo KTS Duy Lê (Công ty kiến trúc Duy Le Architects), nếu thi công không hợp lý, công năng lấy sáng, thông gió của giếng trời sẽ phản tác dụng, gây bất tiện trong sinh hoạt.

Dưới đây là những lỗi cần tránh khi làm giếng trời.

Sai vị trí và cao độ giếng

Bản chất giếng trời là một "ô cửa sổ" hướng lên, vì vậy vị trí này sẽ đón sáng, thông gió và lấy mùi từ bên ngoài vào. Khi đặt giếng trời dạng mở (không có mái che) ở khu vực phòng ngủ, vệ sinh, thay đồ... không gian nghỉ ngơi sẽ bị ám mùi từ môi trường bên ngoài nếu gần đó có nhà máy, xưởng thi công.

Theo KTS, cần xác định hướng nhà, xem xét bối cảnh xung quanh và mục đích sử dụng của giếng trời để tìm được vị trí đặt thích hợp. Thông thường, giếng trời được bố trí ở khu vực giữa và sau cùng ngôi nhà để ánh sáng và gió có thể trải đều khắp các vị trí. Tuy nhiên, cần tránh đặt giếng ở những không gian nghỉ ngơi và cách xa nguồn phát ra mùi, khí thải xung quanh.

Với những nhà xây thấp, những tầng cao hơn của công trình lân cận có thể nhìn vào trong nhà thông qua giếng trời gây mất sự riêng tư. Gia chủ cần lưu ý điều này để xây giếng có cao độ thích hợp.

Chọn sai vật liệu làm kính mái che

Khi xây giếng trời dạng đóng, mái che ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng ánh sáng vào nhà. Có 2 dạng mái che là di động và cố định, tùy vào nhu cầu sử dụng của gia chủ.

Phần mái che mỏng, chất liệu không phù hợp với điều kiện thời tiết sẽ khiến nội thất gần với giếng trời nhanh xuống cấp, bạc màu vì đón nắng trực tiếp. Ngược lại, loại kính mờ, đục sẽ làm tối phòng, gây ngột ngạt.

KTS khuyên gia chủ nên đầu tư kính an toàn 2 lớp có khả năng cách nhiệt và chống trộm, tuy nhiên chi phí cao hơn các vật liệu khác. Nếu lựa chọn tấm polycarbonate đặc có khả năng lấy sáng và chịu nhiệt tốt, độ dày kính phải từ 4-6 mm trở lên (tùy vào khung xương chịu lực bên dưới) để tấm polycarbonate đặc không bị cong "võng" theo thời gian. Chất liệu này sẽ xuống màu sau 5-7 năm sử dụng.

Tôn trong suốt cũng được nhiều gia chủ sử dụng vì giá tiết kiệm hơn, độ dày của tôn lấy sáng tối thiểu phải từ 1-2 mm trở lên. Hiện, trên thị trường còn phổ biến các chất liệu như mái kính cường lực, ngói thủy tinh, gạch kính...

Những lỗi cần tránh khi thiết kế giếng trời  第1张

Gạch kính được ứng dụng làm mái, rải thêm sỏi bên trên để cách nhiệt. Ảnh: Duy Le Architects

Không đảm bảo an ninh cho nhà

Giếng trời mở (không có mái che phía trên) thường kết hợp với khoảng thông tầng và vườn trong nhà để trồng cây, tạo sự đối lưu không khí theo phương đứng cho nhà. Tuy nhiên, vì không có mái che, giếng trời dạng này sẽ có khoảng hở, thiếu an ninh.

KTS cho rằng cần lắp thêm khung bảo vệ như một "cánh cửa" để tránh nhà bị đột nhập. Bộ khung bảo vệ có thể được tạo hình tùy vào sở thích của gia chủ, tạo thành bóng phản chiếu xuống sàn khi có ánh nắng. Ngay cả khi thi công giếng trời dạng đóng, gia chủ cũng nên gắn thêm khung bảo vệ bên dưới mái kính để tăng an ninh cho nhà.

Ngoài ra, hệ thống cấp thoát nước cũng phải được thực hiện kỹ, đặc biệt là với dạng giếng trời mở. Hạ tầng cấp thoát nước sẽ giúp gia chủ thuận tiện tưới tiêu nếu trồng cây dưới giếng trời và tránh nước mưa tràn vào các khu vực khác trong nhà.

Những lỗi cần tránh khi thiết kế giếng trời  第2张

Nếu trồng cây dưới giếng trời thì cần làm hệ thống cấp thoát nước để cây phát triển, không tràn nước vào nhà. Ảnh: Duy Le Architects

Bình Nghi