Vấn nạn “trạc tặc” (tình trạng đổ trộm chất thải rắn, phế thải xây dựng) đang diễn ra phổ biến tại nhiều khu vực của Hà Nội, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến đời sống người dân. Mặc dù chính quyền đã đưa ra nhiều biện pháp xử lý, vấn nạn này vẫn tiếp diễn do những hạn chế trong quản lý, giám sát và ý thức người dân. Vậy, đâu là giải pháp khả thi để ngăn chặn nạn đổ trộm loại rác thải này?

Thực trạng đáng lo ngại

Những ngày cuối tháng 9/2024, ông Nguyễn Đức Chiến - Phó Chủ tịch UBND xã Song Phương, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội cùng Tổ An ninh trật tự cơ sở xã ngày đêm mất ngủ vì “trạc tặc”. Chuyện là trong thời gian gần đây, dọc đường gom Đại lộ Thăng Long, đoạn gần dự án đường Vành đai 4, thuộc địa phận xã Song Phương liên tục xuất hiện những đống trạc thải lớn. Các đối tượng đổ thải thường lợi dụng thời điểm ban đêm, đường vắng người để hoạt động. Nạn “trạc tặc” đã gây bức xúc trong dư luận, đồng thời cũng khiến Song Phương trở thành “điểm nóng” đươc nhắc đến trên các phương tiện truyền thông.

“Ngay sau khi xuất hiện tình trạng đổ trộm trạc thải ở đây, tôi đã báo cáo lãnh đạo xã. Xã cũng tổ chức họp và yêu cầu lực lượng chức năng ra quân xử lý" - ông Nguyễn Đức Chiến cho biết.

Ngăn chặn nạn đổ trộm trạc thải: quyết liệt để không tái phạm  第1张 Bãi thải mới nằm trên địa phận phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm. Ảnh: Nguyễn Quý

Được biết, để đối phó với nạn “trạc tặc”, lực lượng an ninh cơ sở tại xã Song Phương đã tổ chức một Tổ công tác do đích thân Phó Chủ tịch UBND phường Nguyễn Đức Chiến chỉ huy, thường xuyên tuần tra, mật phục vào ban đêm tại những điểm nóng để bắt quả tang hành vi đổ thải trộm.

Tuy nhiên, các đối tượng “trạc tặc” luôn cảnh giác và ranh mãnh, cộng với nhiều khó khăn về mặt địa hình tại nơi mật phục nên đến nay, hoạt động của Tổ công tác vẫn chưa mang lại kết quả.

Theo ông Nguyễn Đức Chiến, điểm đổ trộm trạc thải ven đường gom Đại lộ Thăng Long là đất thuộc dự án đường Vành đai 4, địa phương đã bàn giao cho chủ đầu tư để triển khai dự án. Khu vực này hầu như không có nhà dân, ban đêm ít người qua lại nên “trạc tặc” lựa chọn làm nơi “hành động”. Điều này đã gây khó khăn nhiều cho lực lượng chức năng địa phương trong công tác mật phục, xử lý.

“Vừa rồi, huyện cũng về làm việc, ghi nhận nội dung với xã. Các điểm đổ trộm đều thuộc dự án Vành đai 4 do Tổng Công ty Vinaconex quản lý. Xã cũng đã báo cáo huyện đề nghị DN làm rào chắn, ngăn đổ trộm trạc thải” - ông Nguyễn Đức Chiến cho hay.

Trên thực tế, lâu nay Hà Nội đã phải đối mặt với vấn nạn đổ trộm rác thải ngày càng trầm trọng, đặc biệt là tại các khu vực ven đô và các tuyến đường lớn như Đại lộ Thăng Long, Quốc lộ 21 và các vùng ngoại ô khác. Các loại chất thải rắn như phế liệu xây dựng, bê tông, gạch vỡ, bùn đất… bị đổ tràn lan, tạo nên những đống rác khổng lồ, gây ô nhiễm môi trường, hủy hoại đất, gây bức xúc trong dư luận Nhân dân. Những khu vực vắng người qua lại trở thành điểm đến lý tưởng cho những đối tượng muốn tránh bị phát hiện.

Theo ghi nhận, một số nơi như huyện Hoài Đức, Quốc Oai, Thạch Thất… đã trở thành điểm nóng về đổ trộm phế thải xây dựng​. Thực trạng này không chỉ gây mất mỹ quan đô thị mà còn đe dọa nghiêm trọng đến môi trường. Những phế liệu này có thể bị mưa xói mòn, tạo ra nước thải chứa chất độc hại, gây ô nhiễm nguồn nước và đất; việc xử lý lại tốn nhiều chi phí và nguồn lực, trong khi nguồn ngân sách công có hạn. Điều này đã đặt ra thách thức lớn đối với các cơ quan quản lý môi trường ở Hà Nội​.

Đấu tranh trực diện với “trạc tặc”

Theo các chuyên gia, để giải quyết triệt để vấn nạn đổ trộm rác thải, Hà Nội cần thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp, từ tăng cường chế tài xử phạt, cải thiện cơ sở hạ tầng giám sát đến nâng cao nhận thức của cộng đồng.

Trước tiên, cần tăng chế tài xử phạt mạnh hơn với các đối tượng vi phạm. Mức phạt cần được nâng lên đủ để răn đe, đặc biệt là đối với các chủ thầu xây dựng, cá nhân, DN có hành vi xả thải trái phép.

Đồng thời, chính quyền cần triển khai các biện pháp bổ sung như tước giấy phép hoạt động của các DN vi phạm nghiêm trọng, hoặc đưa ra các hình thức phạt lao động công ích để xử lý các bãi rác mà họ đã tạo ra​.

Một giải pháp khác là việc lắp đặt hệ thống camera giám sát tại các điểm nóng về đổ trộm rác. Hiện tại, số lượng camera giám sát tại các khu vực ngoại ô còn rất hạn chế, khiến cho việc phát hiện các hành vi đổ trộm trở nên khó khăn. Chính quyền có thể hợp tác với các DN công nghệ để sử dụng các thiết bị giám sát hiện đại, kết hợp với công nghệ phân tích hình ảnh, giúp phát hiện và xử lý nhanh các hành vi vi phạm.

Việc này không chỉ giảm thiểu tình trạng đổ trộm mà còn giúp lực lượng chức năng giảm bớt gánh nặng giám sát​. Ngoài ra, cần tổ chức các chiến dịch tuyên truyền sâu rộng để nâng cao ý thức cộng đồng về vấn đề bảo vệ môi trường. Người dân cần được trang bị kiến thức về tác hại của việc đổ trộm rác thải, đồng thời được khuyến khích tham gia vào các hoạt động giám sát, tố giác các hành vi vi phạm thông qua đường dây nóng hoặc ứng dụng di động.

Đứng trên góc nhìn pháp lý, Luật sư Bùi Đình Ứng - Đoàn Luật sư TP Hà Nội khẳng định, đối với “trạc tặc”, cần có giải pháp mạnh tay và kiên quyết mới mong dẹp yên được vấn nạn này.

“Chế tài xử phạt với hành vi này đều đã có. Phải xử lý nghiêm, thậm chí việc đổ trộm chất thải rắn có thể coi là hành vi hủy hoại đất và hoàn toàn có thể xử lý hình sự” - Luật sư Bùi Đình Ứng cho hay.

Trên thực tế, thời gian gần đây, một số địa phương đã bắt đầu thay đổi phương thức ngăn chặn nạn “trạc tặc”. Thay vì dùng các giải pháp bị động như cắm biển cấm, quây tôn… giờ đây họ đã sử dụng phương án đấu tranh trực diện, quyết liệt và mạnh tay hơn. Một ví dụ điển hình là phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm.

Hồi đầu năm 2024, địa phương này từng là tâm điểm của nạn “trạc tặc” khi liên tục được nhắc tên trên các phương tiện truyền thông đại chúng, nhất là tình trạng đổ trạc thải, rác thải để lấp hồ Song. Giải pháp được lãnh đạo địa phương đưa ra là quây tôn tại các lối ra vào hồ, ngăn không cho các đối tượng tiếp cận bên trong hồ Song đổ thải.

Tuy nhiên, khi “điểm nóng” hồ Song lắng xuống thì một bãi trạc thải mới lại xuất hiện trên phần đất tiếp giáp với phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, thuộc địa phận Tổ dân phố Ngọc Trục, phường Đại Mỗ.

Hiện nay bãi thải này đã rộng tới hàng nghìn mét, được san lấp thành mặt bằng, thậm chí đã có dấu hiệu dựng nhà xưởng. Lần này, không sử dụng giải pháp quây tôn như đối với hồ Song, Chủ tịch UBND phường Đại Mỗ Hồ Trọng Thắng cho biết, phường đã báo cáo Đội Cảnh sát Kinh tế, Công an quận Nam Từ Liêm vào cuộc điều tra, xử lý.

“Phải bắt quả tang, thực hiện chế tài nghiêm đủ sức răn đe để không tái phạm, bảo đảm môi trường khu vực” - ông Hồ Trọng Thắng khẳng định.

 

Giải quyết vấn nạn đổ trộm trạc thải tại Hà Nội không phải là việc dễ dàng, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý và cộng đồng. Với những biện pháp mạnh mẽ, từ tăng cường giám sát đến nâng cao nhận thức, Hà Nội có thể dần dần giải quyết được vấn đề nhức nhối này. Chính quyền và người dân cùng chung tay sẽ là yếu tố then chốt để bảo đảm môi trường đô thị xanh, sạch, đẹp, không còn những bãi rác tự phát gây ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày.