Hàng ngàn sinh viên khu vực phía Bắc vừa tham dự chương trình 'Giáo dục tài chính cho sinh viên'. Đây cũng là đối tượng được hướng tới trong 'Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia'.
Nhiều diễn giả tham gia tọa đàm "Giáo dục tài chính cho sinh viên"
Kiến thức tài chính vững vàng giúp phát triển kinh tế chung
Chương trình tọa đàm "Giáo dục tài chính cho sinh viên", thuộc khuôn khổ chuỗi sự kiện truyền thông giáo dục tài chính năm 2024, vừa được Học viện Ngân hàng phối hợp Vụ Truyền thông Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện trong hai ngày 1 và 2-10-2024, thu hút hàng ngàn sinh viên khu vực phía Bắc tham dự.
Bà Lê Thị Thúy Sen - vụ trưởng Vụ Truyền thông NHNN - cho biết chủ đề giáo dục tài chính không phải quá mới nhưng gần đây liên tục được quan tâm mạnh mẽ. Thời gian qua, NHNN luôn xác định truyền thông giáo dục tài chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.
Việc này nhằm góp phần triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của "Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia". Cùng nhiều đề án khác của Chính phủ về phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021 - 2025, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế, thúc đẩy thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng... Cũng như chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Trước đó, Vụ Truyền thông cũng đã triển khai nhiều chương trình giáo dục tài chính với đa dạng hình thức như: game show "Tiền khéo Tiền khôn", hoạt hình "Tay hòm chìa khóa", chuỗi sự kiện cuộc thi tìm hiểu về kiến thức tài chính - ngân hàng "Hiểu đúng về tiền", "Nhà ngân hàng tương lai"...
Các bạn sinh viên hào hứng tương tác tại tọa đàm về giáo dục tài chính
Bà Anna Szalwacki - đại diện Quỹ Hợp tác quốc tế các Ngân hàng Tiết kiệm Đức (DSIK) - đánh giá cao chuỗi sự kiện này nói riêng và công tác truyền thông, giáo dục tài chính của Việt Nam nói chung. Đồng thời tin tưởng Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai tốt các hoạt động truyền thông giáo dục tài chính.
Theo bà Anna, rất khó để tìm được hình thức truyền thông giáo dục tài chính phù hợp với tất cả mọi người. Việc NHNN đa dạng hóa hình thức chương trình, giúp tối đa hóa số lượng người được tiếp cận các kiến thức ngân hàng tài chính. Duy trì các hoạt động này mang lại nhiều giá trị hữu ích cho công chúng.
Bà Phạm Thị Hoàng Anh - phó giám đốc phụ trách ban giám đốc Học viện Ngân hàng - cho rằng giáo dục tài chính rất quan trọng, đặc biệt đối với đối tượng là thế hệ trẻ, các bạn học sinh, sinh viên. Đây là thế hệ tương lai của đất nước, có kiến thức tài chính vững vàng sẽ đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế chung.
Cuốn truyện tranh "Khéo khôn với tiền - Tránh những ưu phiền" được nhiều bạn trẻ quan tâm
Học một cách tự nhiên và cuốn hút với truyện tranh tài chính
Tại chuỗi sự kiện giáo dục tài chính "Đồng tiền thông thái", các gian hàng sách của các nhà xuất bản góp phần thúc đẩy văn hóa đọc trong giới trẻ.
Đặc biệt, cuốn truyện tranh "Khéo khôn với tiền - Tránh những ưu phiền" được các bạn sinh viên hào hứng đón đọc. Đây là tác phẩm của tác giả Lê Thị Thúy Sen, do Nhà xuất bản Kim Đồng phát hành tháng 12-2023, hiện đã bán hết 30.000 bản và chuẩn bị tái bản trong tháng 10-2024.
Bạn Đinh Thị Thùy Minh, sinh viên Học viện Ngân hàng, cảm nhận: "Cuốn sách này thực sự rất cuốn hút. Hình thức truyện tranh rất ấn tượng. Còn mang đến những câu tục ngữ, ca dao rất gần gũi, thân thuộc".
Với góc nhìn chuyên gia tài chính, bà Anna Szalwacki đánh giá cuốn sách "Khéo khôn với tiền - Tránh những ưu phiền" là ví dụ điển hình của một hình thức giáo dục tài chính tốt. "Rất dễ đọc và thực sự thú vị. Chúng ta sẽ học về tài chính một cách tự nhiên, tình cờ, không hề khô khan, nặng nề hay hàn lâm. Cuốn sách thực sự thu hút được nhiều người", bà Anna cho hay.
Bản thân bà và Quỹ Hợp tác quốc tế các Ngân hàng Tiết kiệm Đức luôn tìm kiếm các tài liệu chất lượng để nâng cao giáo dục tài chính. Do đó, khi cuốn sách có phiên bản tiếng Anh, bà sẽ chia sẻ với đồng nghiệp trên toàn thế giới, đặc biệt khu vực châu Á.
"Đó chính xác là điều mà tất cả chúng ta đều muốn đạt được. Chúng ta muốn giáo dục tài chính và tạo điều kiện cho mọi người tiếp cận tài chính", bà Anna nói.
Bà Phạm Thị Hoàng Anh đề cao tính thực tiễn của cuốn sách, không chỉ cung cấp kiến thức bổ ích về lĩnh vực tài chính ngân hàng, mà còn phù hợp với độc giả ở nhiều lứa tuổi.
Các bạn trẻ thích thú khi được tiếp xúc các kiến thức bổ ích về tài chính
Bà Lê Thị Thúy Sen nhìn nhận lĩnh vực tài chính - ngân hàng bao hàm rộng, kiến thức chuyên sâu. Vậy nên hoạt động truyền thông cần phải thể hiện được kiến thức khó theo cách đơn giản, dễ tiếp nhận.
Sinh viên là một lực lượng nòng cốt trong kỷ nguyên công nghệ mới. Khi nhóm này có kiến thức chuẩn mực và hành vi tài chính đúng đắn sẽ đóng góp và hỗ trợ lớn trong công tác truyền thông, giáo dục tài chính.
Lúc được hỏi về kế hoạch tái bản cuốn sách "Khéo khôn với tiền - Tránh những ưu phiền", bà Sen cũng tiết lộ sẽ bổ sung kiến thức về thanh toán, đặc biệt là nội dung cập nhật về công nghệ.
Thông qua truyện tranh giáo dục tài chính, nhóm độc giả gồm người lớn tuổi, học sinh, người không am hiểu tài chính và không tiếp xúc nhiều với công nghệ... cũng biết cách phòng tránh, ngăn ngừa rủi ro trong quá trình thanh toán online, thanh toán không dùng tiền mặt.
Đăng thảo luận