Gia Lai:
Kỳ công làm ra hạt cà phê đặc biệt, giá bán tăng gấp bội
(Dân trí) - Nhiều nông dân ở Gia Lai đã mày mò chế biến ra hạt cà phê mang hương vị đặc biệt. Việc này giúp cho giá của những hạt cà phê tăng lên gấp nhiều lần.
Ở Gia Lai, cà phê được xem là một trong những loại cây trồng chủ lực. Tuy nhiên, đã nhiều năm trở lại đây, nông dân cũng không còn mặn mà với loại cây này bởi chi phí đầu tư và giá phân bón tăng mạnh. Hạt cà phê bà con làm ra phải trải qua nhiều khâu trung gian, khiến thu nhập bị giảm.
Trước những bất cập trên, một bộ phận nông dân đã học hỏi nhiều phương pháp sản xuất, chế biến hạt cà phê do chính tay mình làm ra. Tùy thuộc vào điều kiện thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng và đặc biệt là chất lượng cà phê của từng vùng trồng, người dân có thể chọn phương pháp chế biến phù hợp.
Nông dân đã tuyển chọn hạt cà phê đạt độ chín rồi chế biến theo nhiều phương pháp khác nhau để cho ra loại cà phê thượng hạng (Ảnh: Phạm Hoàng).
Hiện nay, nhiều nông dân ở Gia Lai đang áp dụng một số phương pháp như chế biến tự nhiên (natural), chế biến ướt (washed/wet) và chế biến mật ong (honey/ved honey). Sau chế biến, những loại cà phê này có giá trị cao gấp 2-3 lần.
Hạt cà phê chế biến theo công nghệ hiện đại đảm bảo được chất lượng, tăng hương vị và giá trị (Ảnh: Phạm Hoàng).
Vụ cà phê năm nay, anh Vương Đình Đức (29 tuổi, ở thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) dành khoảng 150 tấn cà phê tươi để chế biến theo phương pháp mới.
Theo đó, anh Đức tuyển chọn những hạt cà phê đạt độ chín gần như tuyệt đối rồi dùng máy xát dập loại bỏ vỏ bên ngoài, chỉ giữ lại phần nhân hạt và lớp nhầy (đường).
Để tăng thêm hương vị cho những hạt cà phê, anh Đức đóng những hạt cà phê vừa được xát dập vào túi nilon, để yếm khí 3-7 ngày cho hạt cà phê lên men tự nhiên, rồi đưa ra giàn phơi. Với phương pháp này, mỗi kilogam cà phê, anh Đức đã lãi gấp đôi so với giá thị trường.
Phương pháp chế biến tự nhiên (natural) mang lại hiệu quả kinh tế cao cho hạt cà phê, giá bán có thể đạt từ 150 - 170 nghìn đồng/kg (Ảnh: Phạm Hoàng).
Anh Đức bộc bạch: "Khi dùng phương pháp chế biến công nghệ cao, yêu cầu cà phê phải chín, đủ lượng đường, theo dõi kỳ công trong quá trình lên men, kiểm soát thời gian phơi. Nhờ vậy, thưởng thức những hạt cà phê này sẽ cảm nhận như mùi của rượu vang hoặc mật ong.
"Mỗi năm, tôi dành khoảng 150 tấn cà phê tươi để chế biến theo các phương pháp mới với mật ong. Nhờ vậy, tôi giảm được thời gian phơi cà phê mà chất lượng hạt cà phê lại được nâng lên rất nhiều", anh Đức bộc bạch.
Cà phê sau khi để lên men yếm khí có mùi thơm nồng nàn như rượu vang hoặc mật ong (Ảnh: Phạm Hoàng).
Tương tự, anh Trịnh Xuân Sơn (29 tuổi, ở thị trấn Ia Kha) áp dụng nhiều phương pháp chế biến cà phê với công nghệ hiện đại. Năm nay, anh Sơn tập trung vào sản phẩm theo phương pháp tự nhiên và với mật ong bởi nhu cầu thị trường đang tăng mạnh.
Theo anh Sơn chia sẻ, giá cà phê nhân hiện nay vào khoảng 40 nghìn đồng/kg. Khi chế biến theo phương pháp tự nhiên, cà phê nhân có giá lên tới 150-170 nghìn đồng/kg, cà phê mật ong có giá 90-120 nghìn đồng/kg.
Mỗi năm, anh Sơn chế biến 15-20 tấn cà phê nhân, tùy vào lượng khách hàng đặt hàng. Thị trường của anh chủ yếu là các đô thị lớn như TPHCM, Hà Nội.
"Khi chế biến theo phương pháp tự nhiên, mình sẽ chọn 100% quả chín rồi ủ trong túi nilon khoảng 3-7 ngày cho lên men. Việc này giúp giữ hương vị tự nhiên nhất của cà phê. Sau đó, cà phê sẽ được mang đi phơi, khi đủ độ ẩm thì tách vỏ, sẽ thu được thứ nhân cà phê hảo hạng, mùi vị nồng nàn", anh Sơn nêu bí quyết.
Ông Phan Đình Thắm - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Ia Grai cho biết: Hiện nay, nhiều nông dân đang mày mò để tạo ra nhiều loại cà phê chất lượng cao. Việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào chế biến cà phê sau khi thu hoạch mang lại hiệu quả thấy rõ. Tuy nhiên, hoạt động này còn nhỏ lẻ, tự phát.
Huyện đang xây dựng kế hoạch nhằm tạo những vùng trồng, sản xuất ra nhiều loại cà phê đặc sản, tạo ra chuỗi liên kết, đồng thời hỗ trợ cho bà con kiến thức trong việc chăm sóc và chế biến nông sản.
Chính quyền địa phương đang xây dựng nhằm tạo ra những vùng sản xuất, chế biến cà phê chất lượng cao (Ảnh: Phạm Hoàng).
Đăng thảo luận