Giải Nobel sẽ được công bố trong tuần này để tôn vinh những thành tựu xuất sắc trong các lĩnh vực vì lợi ích của nhân loại.
Giải Nobel năm nay sẽ được trao từ ngày 7 đến 14-10 - Ảnh: REUTERS
Giải Nobel sẽ được trao trong các lĩnh vực y sinh, vật lý, hóa học, văn học, kinh tế và hòa bình, bắt đầu với giải thưởng y sinh ngày 7-10. Giá trị mỗi giải thưởng là 11 triệu crown Thụy Điển, khoảng 1,1 triệu USD.
Đến nay, các dự đoán cho rằng nghiên cứu về ung thư hoặc thuốc điều trị bệnh tim mạch có thể giành giải Nobel y sinh, mang lại tia hy vọng cho thế giới đang chìm trong khủng hoảng.
Năm ngoái, giải này được trao cho các nhà nghiên cứu Katalin Kariko và Drew Weissman cho công trình nghiên cứu về công nghệ RNA thông tin mở đường cho vắc xin ngừa COVID-19 mang tính đột phá.
Trong lĩnh vực vật lý, công bố ngày 8-10, các chuyên gia khoa học hy vọng người đoạt giải là nhà vật lý người Thụy Sĩ Christoph Gerber, người tiên phong trong việc phát triển kính hiển vi có độ phân giải cấp nguyên tử. Điều dự đoán cũng được đưa ra trong các lĩnh vực hóa học.
Đối với văn học, nhiều ý kiến cho rằng giải thưởng sẽ trao cho nhà văn Tàn Tuyết của Trung Quốc. "Tôi nghĩ đó sẽ là một người phụ nữ đến từ một vùng ngôn ngữ ngoài châu Âu", biên tập viên Bjorn Wiman của tờ Dagens Nyheter (Thụy Điển) nói với Hãng tin AFP.
Giải Nobel kinh tế dự kiến sẽ tôn vinh nghiên cứu về kinh tế trong phát triển trẻ em, sự hòa hợp giữa tự nhiên và nền kinh tế hoặc tác động của tham nhũng đến tăng trưởng kinh tế. Trong khi đó, giải thưởng hòa bình sẽ khó dự đoán bởi các cuộc khủng hoảng trên thế giới ngày càng tăng.
Nobel hóa học 2023: Từ thủy tinh màu đến màn hình QLEDĐỌC NGAY
Giải Nobel khởi nguồn từ sáng kiến của nhà phát minh người Thụy Điển Alfred Nobel. Trong di chúc, ông đã để lại tài sản của mình để tài trợ cho "các giải thưởng dành cho những người, trong năm trước đó, đã mang lại lợi ích lớn nhất cho nhân loại".
Ông Nobel qua đời vào năm 1895 nhưng phải đến năm 1901 thì giải thưởng đầu tiên mới được trao.
Ông Nobel đã chỉ định Viện hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển trao giải thưởng về hóa học và vật lý, Viện hàn lâm Văn học Thụy Điển, Viện Karolinska Institute của Thụy Điển trao giải y sinh, và Quốc hội Na Uy trao giải về hòa bình. Năm 1968, giải Nobel kinh tế được bổ sung và do Viện hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển trao, theo cùng nguyên tắc như các giải thưởng khác.
Trong hơn 100 năm qua, những người từng đoạt giải Nobel đáng chú ý bao gồm các nhà khoa học Albert Einstein, Niels Bohr và Marie Curie, các tác giả Ernest Hemingway và Albert Camus, và các nhà lãnh đạo truyền cảm hứng như Martin Luther King Jr., Nelson Mandela.
Lễ trao giải sẽ được tổ chức vào ngày 10-12, trong đó giải Nobel hòa bình trao tại Na Uy, còn các giải khác trao tại Thụy Điển.
Đăng thảo luận