Hầu hết các quốc gia phát triển mà chúng tôi từng đi qua, xe điện ngày càng trở nên phổ biến.
Khi trạm sạc xe điện được đưa vào tiêu chí xếp hạng chung cư đầu tháng 8 này, tôi mừng phát khóc. Chúng tôi đã đợi ngày này hơn 10 năm rồi, kể từ ngày đầu tiên đi xe điện và giã từ hoàn toàn xe chạy xăng.
Thân phận "con ghẻ" mang đến cảm nhận sâu sắc nhất cho chúng tôi vào một ngày cách đây nhiều năm. Trước đó chung cư của chúng tôi đã đi tiên phong trong việc khoanh một khu đỗ xe máy điện và lắp đặt hệ thống sạc xe hẳn hoi.
Chưa tự hào được bao lâu, thì ngày nọ có vụ cháy trên tầng cao của chung cư này, do một gia đình kho cá để quên không tắt bếp.
Ngay ngày hôm sau, ban quản trị phá bỏ luôn hệ thống sạc xe của tòa nhà dù nó hoàn toàn không liên quan gì đến vụ cháy, mà cũng chưa từng gây ra bất kỳ sự cố gì; còn các gia đình thì vẫn đun bếp ga, nấu bếp điện trong nhà như bình thường.
Số cư dân ít ỏi trong tòa nhà có đi xe điện cố gắng đấu tranh hồi lâu, thì được "giúp" cho một ổ cắm duy nhất ở sân tòa nhà dành cho việc sạc xe. Lúc cao điểm, có tới 6 cái xe chen chúc nhau một cái ổ cắm.
Những năm gần đây, các chung cư, trung tâm thương mại tại Việt Nam bắt đầu xuất hiện lác đác khu vực sạc dành cho xe máy điện, nhưng vẫn rất ít. Xe điện vẫn là thiểu số, bị coi là nhóm ít tiền, ít quyền, ít tiếng nói, và do đó là nhóm yếu thế.
Quyết định đến với xe điện là một trong những quyết định "đổi đời" đối với gia đình tôi. Từng có ôtô, xe máy, chúng tôi nếm trải bao khổ ải khi vất vả đi trên đường phố Hà Nội, khốn khổ mỗi lần xếp hàng đổ xăng, hồi hộp những khi giá xăng lên xuống, rồi thì hỏng bugi, hóc số, rỉ xăng, chết máy, và những kỷ niệm bỏng bô nhớ đời.
Tất cả những phiền toái đó biến mất một cách kỳ diệu kể từ khi chúng tôi đi xe máy điện. Đồng thời, chúng tôi tiết kiệm được khá nhiều tiền. Thời gian đầu tự sạc xe trong nhà, tiền điện tăng lên chỉ khoảng 15.000 đồng một tháng so với trước đó, trong khi mỗi tháng chạy xe xăng chúng tôi tốn khoảng 250.000 đồng chỉ riêng tiền xăng. Mỗi năm đi xe máy chúng tôi cần thay dầu vài lần, ít nhất 100.000 đồng, còn xe điện không có bất kỳ loại dầu nhớt nào để mà thay.
Trời mưa, tất cả ôtô xe máy chạy xăng đều ùn ứ lại ở điểm cao, mấy ai có can đảm chạy qua chỗ ngập. Và nếu dũng cảm chạy qua, thì ở đầu kia sẽ là một loạt bác thợ sửa xe đứng đợi để "giúp" bạn lau bugi xe máy tốn vài chục ngàn đồng, với ô tô nếu bị nước vào sẽ còn nghiêm trọng hơn.
Còn chúng tôi thì ngàn lần như một đi qua chỗ lội không gặp bất kỳ vấn đề gì, thậm chí có lần nước ngập hết toàn bộ bánh xe nhưng dắt qua rồi vẫn đi bình thường.
Để nuôi một xe máy chạy xăng, trước đây chúng tôi tốn khoảng 8 triệu đồng một năm, còn với xe điện, thậm chí chưa tốn đến 2 triệu rưỡi.
Có thể nói, chuyển từ xe xăng sang xe điện là quyết định sáng suốt bậc nhất của một người tiêu dùng bình thường là tôi. Nhưng nó cũng lập tức đẩy chúng tôi vào "nhóm yếu thế" của xã hội, vì xe máy điện vẫn bị coi là con ghẻ. Nó bị "gắn nhãn" là loại xe của người nghèo, của người già, của đám choai choai chưa đủ tuổi đi xe xăng. Xung quanh tôi, không một ai thành đạt giàu có mà lại đi xe máy điện, và số đi xe ôtô điện cũng ít đến đáng thương.
Một vài người bạn của tôi thậm chí còn nửa đùa nửa thật xếp những người đi xe điện như tôi vào nhóm "gây nguy hiểm cho xã hội", bởi vì chiếc xe quá yên tĩnh. Hơn nửa đời người sống trong một môi trường gào rú tiếng còi xe mọi lúc mọi nơi, kể cả trong sân bệnh viện ban ngày hay chung cư đêm khuya, họ cảm thấy một chiếc xe không gây tiếng động ở trên đường là thứ dễ gây tai nạn - lẽ ra nó phải có tiếng động cơ ồn ào để cảnh báo những người khác rằng xe điện đang tham gia giao thông.
Thật là một lý do hài hước, bởi ở rất nhiều quốc gia phát triển mà chúng tôi đi qua, sự yên tĩnh khi tham gia giao thông được coi là tiêu chí của văn minh và môi trường đáng sống.
Không nơi đâu chúng tôi thấy ồn ào khủng khiếp như trên đường phố Việt Nam, khi mà vô số xe máy, ô tô động cơ rền vang chen chúc mỗi ngày, và bấm còi vô lối. Việc một chiếc xe "yên tĩnh" có thể gây tai nạn hay không là do người điều khiển, chứ không thể do bản thân chiếc xe.
Không chỉ người tiêu dùng nhầm lẫn, xe máy điện thậm chí còn bị một số phương tiện truyền thông cảnh báo liên tục về khả năng gây tai nạn. Thực tế cho thấy, tình trạng này chủ yếu do người điều khiển chứ không phải là bản thân chiếc xe. Muốn giảm số vụ tai nạn, điều cốt yếu là phổ biến luật và thi hành luật một cách nghiêm khắc đối với mọi đối tượng tham gia giao thông, chứ không phải là đổ lỗi cho phương tiện.
Ý thức kém, thì lái xe gì cũng gây tai nạn. Việc nhầm lẫn giữa "khả năng tuân thủ luật giao thông" của một số ít bạn trẻ đi xe điện, và "khả năng vận hành tốt trên đường" của cái xe, đã khiến cộng đồng dễ dàng ném đá một loại phương tiện giao thông tiên tiến, để bảo vệ cái cũ mà họ đã quen.
Trong khi đó, hầu hết các quốc gia phát triển mà chúng tôi từng đi qua, xe điện ngày càng trở nên phổ biến. Chuyến đi Pháp và Trung Quốc gần đây của chúng tôi, chủ nhà trọ đều đưa đón chúng tôi bằng xe điện. Họ chia sẻ, đi xe điện cảm thấy như được "giải thoát", bởi rất nhiều áp lực của thời đi xe xăng đã biến mất, đặc biệt là tiếng ồn và giá xăng. Chủ nhà thậm chí còn không thu tiền đưa đón chúng tôi, bởi chi phí chạy xe điện quá rẻ, họ bảo không đáng kể.
Xe điện thậm chí còn là phương tiện công cộng cho thuê phổ biến trên đường phố Paris, Rome, Tokyo, Bắc Kinh và nhiều thành phố khác. Ngay cả tại những quốc gia chưa phát triển mấy như Myanmar và Campuchia, cách đây hơn 10 năm chúng tôi cũng đã thoải mái thuê xe điện để đi dạo bởi nó là phương tiện rất được khuyến khích: nó giảm ô nhiễm môi trường và giảm tiếng ồn, khiến cho những đất nước này trở nên thân thiện hơn trong mắt khách du lịch. Với những ưu điểm của nó, xe điện là xu hướng không thể đảo ngược.
Không ít người vẫn phản biện rằng, xe điện gây ô nhiễm "khủng khiếp" bởi cục pin mà nó thải ra. Điều đó đúng một phần, nhưng có lẽ họ cố tình bỏ qua sự thật rằng, tất cả các xe có động cơ cũng đều thải ra những chất thải tương tự, hơn nữa xe xăng còn có chất thải khí, chất thải lỏng - hai loại chất thải khó kiểm soát và xử lý hơn rất nhiều so với chất thải rắn.
Xe điện hầu như không thải ra môi trường bất kỳ loại khí nào hoặc chất lỏng nào khi vận hành, và do đó phải được coi là một hộ vệ của môi trường, chứ không phải tội đồ. Cái mà nó thải ra, là khi còn ở trong nhà máy hoặc khi hết hạn sử dụng - điều mà tất cả các loại xe khác cũng đều có.
Mọi phương tiện đều có mặt tối và mặt sáng. Nhìn nhận một cách khách quan và lựa chọn đúng đắn là công việc của chúng ta, không chỉ vì công năng và thể diện hôm nay, mà còn vì tương lai hàng trăm năm hậu thế.
Nhưng nói cho cùng, thay đổi nhận thức và thói quen tiêu dùng là một quá trình lâu dài, khó khăn. Hồi thế kỷ 19, khi đèn điện mới được phát minh, người ta đã cười nhạo rằng trông nó giống như đốm sáng ma trơi, chỉ mang lại điềm xấu.
Ngày nay, khi chúng ta vẫn bị bủa vây mỗi ngày bởi mạng lưới truyền thông dày đặc của những nhà sản xuất xe xăng đang cố khai thác triệt để dây chuyền của họ, và tâm lý sính hàng hiệu, coi chiếc xe như bộ mặt của nhiều người tiêu dùng, thì xe điện, dù có chỗ sạc đàng hoàng, vẫn khó có chỗ đứng tử tế mà nó nên có.
Trịnh Hằng
Đăng thảo luận