Hội chứng sợ lỗ tròn đề cập đến nỗi sợ hãi, cảm giác buồn nôn khi nhìn thấy bề mặt lỗ tròn hoặc vết lõm tụ lại gần nhau như bọt biển, đài sen, tổ ong.

Hội chứng sợ lỗ tròn còn gọi là trypophobia, kết hợp từ tiếng Hy Lạp "trypa" (đục hoặc khoan lỗ) và "phobi"' (sợ hãi hoặc ác cảm).

Triệu chứng

Trypophobia chủ yếu là do phản ứng thị giác. Người mắc chứng ám ảnh này có thể lo lắng, khó chịu, sợ khi nhìn vào những bề mặt có lỗ tròn hoặc động vật có da, lông đốm (báo hoa mai, chó đốm). Các triệu chứng cụ thể gồm:

  • Nổi da gà, ớn lạnh.
  • Buồn nôn.
  • Đổ mồ hôi.
  • Nhịp tim nhanh.
  • Chóng mặt hoặc choáng váng.
  • Khó chịu về thị giác, bao gồm mỏi mắt, biến dạng hoặc ảo tưởng.
  • Cảm giác muốn thoát khỏi hình ảnh ngay lập tức.
  • Cảm giác hoảng loạn hoặc run rẩy.

Nguyên nhân

Hiện vẫn chưa xác định được nguyên nhân rõ ràng gây ra hội chứng sợ lỗ tròn. Một số giả thuyết cho rằng nỗi sợ hãi về các lỗ tròn này có thể phát triển như một phần của nỗi sợ khi một người đối mặt với các sinh vật có nọc độc hoặc nguy hiểm khác.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy phản ứng lo lắng ở người mắc hội chứng này có đặc tính quang phổ tương đồng khi nhìn thấy một số loài động vật nguy hiểm như rắn hổ mang chúa, bọ cạp tử thần. Thuộc tính quang phổ đề cập đến độ tương phản và tần số không gian, có thể tác động đến cách mắt cũng như não tiếp nhận hình ảnh. Đó là sự liên kết vô thức giữa nỗi sợ những vật vô hại (như đài sen) với những động vật đáng sợ (rắn độc) vì chúng có chung một số đặc điểm quang phổ nhất định.

Người mắc hội chứng này cũng có ác cảm với kết cấu vảy, vết rỗ hoặc các dạng phát ban trên da.

Chẩn đoán

Các chuyên gia sức khỏe tâm thần có thể chẩn đoán nỗi ám ảnh như hội chứng sợ lỗ tròn. Điều này là do không có chẩn đoán chính thức về hội chứng này. Tuy nhiên, các nhà trị liệu có thể nhận ra mức độ sợ hãi của người bệnh khi có sự xuất hiện của các lỗ tụ lại và hỗ trợ họ vượt qua nó.

Nhà trị liệu cũng xác định bất kỳ triệu chứng sức khỏe tâm thần nào khác mà người bệnh đang gặp phải, bao gồm các dấu hiệu lo âu hoặc trầm cảm.

Điều trị

Có ba phương pháp điều trị tiềm năng bao gồm:

Trị liệu: Một số loại trị liệu khác nhau có thể giúp điều trị chứng ám ảnh, bao gồm liệu pháp tiếp xúc và liệu pháp hành vi nhận thức (CBT).

  • Liệu pháp tiếp xúc cho phép người bệnh đối mặt với nỗi sợ hãi của mình trong môi trường trị liệu an toàn để họ học cách thay đổi phản ứng với sự vật, tình huống gây ra nỗi sợ hãi. Các chuyên gia thường coi đây là phương pháp hiệu quả để điều trị chứng ám ảnh.
  • Liệu pháp hành vi nhận thức thiên về các chiến lược nhằm xác định, điều chỉnh lại những suy nghĩ không mong muốn cũng như cảm giác đau khổ. Kỹ thuật này có thể giúp người bệnh học cách quản lý những cảm xúc dâng trào bao gồm cả cảm giác lo lắng, sợ hãi.

Thuốc: Không có loại thuốc nào chuyên điều trị cho hội chứng này nhưng bác sĩ tâm thần có thể khuyên người bệnh dùng thuốc trong một số trường hợp. Chẳng hạn một người có cảm giác lo lắng hoặc hoảng loạn cực độ, lo lắng quá mức đến mức cản trở cuộc sống hàng ngày. Các loại thuốc điển hình gồm thuốc chẹn beta, thuốc chống trầm cảm...

Kỹ thuật kiểm soát lo lắng: Một số phương pháp khác có thể kiểm soát sự lo lắng và cảm xúc đau khổ ở người bệnh. Cụ thể là các kỹ thuật thư giãn (thở sâu, yoga và thiền), hòa mình vào thiên nhiên hay những môi trường êm dịu khác, thở chánh niệm, lắng nghe cơ thể để đối phó với căng thẳng.

Bảo Bảo (Theo Healthline)