Nhiều quy định chặt chẽ
Quy định “học sinh không được sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp” đã được Bộ GD&ĐT áp dụng 4 năm. Qua khảo sát các trường học trên địa bàn TP Hà Nội, với cấp tiểu học, hầu hết các nhà trường quán triệt học sinh tuyệt đối không mang điện thoại, ipad đến trường học; trừ khi có hướng dẫn của giáo viên chủ nhiệm. Ở cấp cao hơn, có số ít trường không cho phép học sinh mang điện thoại đến trường; còn lại đa phần triển khai các hình thức quản lý điện thoại của học sinh trước khi vào lớp.
Học sinh quận Ba Đình, Hà Nội cùng quản lý điện thoại trước giờ vào lớp.Tại văn bản 3550/SGDĐT-CTTT-KHCN gửi các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP mới đây, Sở GD&ĐT cho biết: qua theo dõi thực tế, phản ánh của các cơ quan báo chí và dư luận xã hội thì vẫn còn nhiều vấn đề bất cập, tồn tại, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả công tác dạy và học liên quan đến việc sử dụng điện thoại di động, các thiết bị thu, phát sóng trong nhà trường.
Để chấn chỉnh và khắc phục tình trạng này, Sở GD&ĐT Hà Nội đề nghị Ban giám hiệu, giáo viên các nhà trường, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên phổ biến, quán triệt, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ quy định về việc sử dụng điện thoại di động, các thiết bị thu, phát sóng trong nhà trường tại Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT và Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH.
Tùy vào điều kiện thực tế, Ban giám hiệu và các giáo viên nhà trường quản lý điện thoại và các thiết bị thu, phát sóng của học sinh trước khi vào tiết học đầu tiên (quản lý theo từng lớp học) và gửi lại điện thoại, thiết bị thu, phát sóng cho học sinh sau giờ tan trường, tan lớp.
Trong các tiết học cần đến việc sử dụng điện thoại di động, các thiết bị thu, phát sóng và được giáo viên cho phép thì học sinh được mang điện thoại di động và thiết bị thu, phát sóng vào lớp học sử dụng.
Sở GD&ĐT nêu rõ: hiệu trưởng các nhà trường, giám đốc trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên chịu trách nhiệm trước Sở GD&ĐT và UBND các quận, huyện, thị xã nếu để tình trạng vi phạm xảy ra.
Đối với học sinh, Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu thực hiện nghiêm túc quy định “học sinh không được sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép” (được nêu tại Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT và Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH của Bộ GD&ĐT).
Nhằm thực hiện tốt nội dung trên, Sở GD&ĐT Hà Nội đề nghị phụ huynh học sinh đồng hành cùng nhà trường, thầy giáo, cô giáo; động viên, nhắc nhở, quản lý học sinh sử dụng điện thoại di động, các thiết bị thu, phát sóng đúng mục đích, quy định tại nhà trường, lớp học.
Đại diện Sở GD&ĐT nhấn mạnh, đây là một trong những nội dung trọng tâm của ngành GD&ĐT Thủ đô nhằm nâng cao chất lượng dạy và học trong nhà trường trên địa bàn TP.
Tăng cường giám sát
Hiệu trưởng Trường THCS và THPT M. V. Lô-mô-nô-xốp (Hà Nội) Nguyễn Quang Tùng cho hay: 4 năm trước, ban giám hiệu nhà trường đã thống nhất với Ban đại diện cha mẹ học sinh trường về cách thức quản lý điện thoại của học sinh ở tất cả các lớp học. Theo đó, bàn giáo viên được thiết kế một ngăn riêng, rộng 40cm, sâu 40cm, cao 60cm để dành riêng cho việc quản lý điện thoại của học sinh. Chìa khoá do giáo viên chủ nhiệm, lớp trưởng giữ, nhà trường lưu 1 chìa.
Giá để điện thoại - một hình thức quản lý điện thoại trong trường học hiệu quả.Trong giờ truy bài 10 phút đầu giờ (7 giờ 30), giáo viên đặt hòm trên mặt bàn giáo viên, tất cả học sinh tự giác lên nộp điện thoại vào hòm, giáo viên khoá lại và cất vào ngăn tủ. 16 giờ, khi tan học, lớp trưởng mở khoá và trả cho các bạn. Như vậy, học sinh của Trường THCS và THPT M. V. Lô-mô-nô-xốp không sử dụng điện thoại trong suốt thời gian học (7 giờ 30 đến 16 giờ hàng ngày). Khi có tiết học cần sử dụng điện thoại như thuyết trình, nếu giáo viên cho phép, hướng dẫn thì học sinh mới được sử dụng.
Trong ngày học, nếu phụ huynh có việc gấp cần liên lạc với con thì gọi đến văn phòng nhà trường hoặc gọi cho giáo viên chủ nhiệm để được hỗ trợ. Tương tự đối với học sinh, khi có việc đột xuất thì văn phòng sẽ hỗ trợ điện thoại.
“Quy định này được cha mẹ học sinh đồng tình, ủng hộ và nhắc con thực hiện. Học sinh cũng đi vào nếp và quen sau 2 tháng thực hiện. Điều này mang lại hiệu quả rõ rệt, đó là học sinh tập trung tốt hơn trong giờ học; đồng thời giao tiếp và hoà đồng với nhau hơn”, nhà giáo Nguyễn Quang Tùng bày tỏ.
Quản lý điện thoại di động của học sinh trong ngày/trong giờ học cũng được Trường THPT Lưu Hoàng (huyện Ứng Hoà, Hà Nội) thực hiện đều đặn, quyết liệt từ nhiều năm nay.
Cụ thể, mỗi lớp sẽ có các hộp bảo quản, học sinh tự giác để điện thoại vào đó trước mỗi giờ học; cuối giờ lấy lại. Việc này được lớp trưởng trực tiếp nhắc nhở nhưng tinh thần chung là cả lớp tự nguyện và cùng quản lý.
“Sau khi nhận văn bản của Sở GD&ĐT Hà Nội, ngay trong cuộc họp cơ quan tháng 10, nhà trường quán triệt rõ một lần nữa đến giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm đồng hành với nhà trường thực hiện tốt quy định trên”, Hiệu trưởng Trường THPT Lưu Hoàng Hoàng Chí Sỹ nói.
Theo Hiệu trưởng Trường THPT Lưu Hoàng, trước đây dù quy định đã có nhưng chưa cụ thể hoá mà chủ yếu do các nhà trường tự thực hiện. Nay, có quy định rõ từ cấp Sở, với những trường hợp vi phạm quy định đã có căn cứ rõ ràng hơn để xử lý, do đó chắc chắn các nhà trường sẽ nghiêm túc và siết chặt hơn trong quy định cũng như trong thực hiện.
Như vậy, hầu hết các trường học tại Hà Nội đã thực hiện những cách thức khác nhau để nâng cao hiệu quả điện thoại di động, thiết bị thu phát sóng; tuy nhiên vẫn còn xảy ra hiện tượng học sinh quay, chụp hình ảnh trong lớp học, thậm chí đưa lên mạng xã hội, gây nhiều hệ luỵ khó lường.
Để không xảy ra hiện tượng trên, ngoài vai trò của nhà trường còn cần sự phối hợp chặt chẽ của phụ huynh; sự ủng hộ, chấp hành của học sinh; cùng với đó, công tác giám sát nội dung trên cũng cần được các nhà trường quan tâm hơn nữa.
Đăng thảo luận