Gian nan tuyển sinh trường nghề vì phụ huynh chưa hiểu
(Dân trí) - Theo các chuyên gia, phần lớn người dân còn nặng tâm lý phải cho con học đại học, chưa hiểu hết về hệ giáo dục nghề nghiệp (GDNN), học nghề nên các trường nghề rất khó phát triển tuyển sinh.
Tuyển sinh tăng 12% nhưng còn lo lắng
Ngày 9/8, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM tổ chức hội nghị Sơ kết công tác GDNN trên địa bàn Thành phố 7 tháng đầu năm 2024.
Khoảng 200 đại biểu đến từ các trường nghề trên địa bàn thành phố tham dự hội nghị (Ảnh: Tùng Nguyên).
Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH TPHCM, trong 7 tháng đầu năm 2024, các cơ sở GDNN trên địa bàn Thành phố đã tuyển sinh được 134.151 người học; bao gồm: 4.624 sinh viên cao đẳng, 3.821 học sinh trung cấp, 125.706 học viên sơ cấp và đào tạo thường xuyên.
So với cùng kỳ năm 2023, kết quả tuyển sinh tăng 12%. Tuy nhiên, so với chỉ tiêu năm 2024, kết quả tuyển sinh các trình độ GDNN mới đạt hơn 42,58%.
Theo ông Nguyễn Chí Thành, Trường phòng GDNN (Sở LĐ-TB&XH TPHCM), dù tổng thể kết quả tuyển sinh các hệ đào tạo của các cơ sở GDNN vượt 12% so với cùng kỳ năm 2023 nhưng các nghề trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng chiếm tỉ trọng lớn, các trình độ cao đẳng, trung cấp chiếm tỉ trọng thấp.
Ông Nguyễn Chí Thành cho biết: "7 tháng đầu năm là thời điểm tuyển sinh của các trường đại học, các trường trung học phổ thông ngoài công lập nên việc các cơ sở GDNN bị cạnh tranh và kết quả tuyển sinh các trình độ cao đẳng, trung cấp thấp là điều khó tránh khỏi.
Đặc biệt, thông tin của các cơ sở GDNN không có trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo nên học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông và phụ huynh không có điều kiện để tiếp cận, tìm hiểu hoặc tạo ra tâm lý băn khoăn về chất lượng của các cơ sở GDNN".
Ngoài ra, một số nguyên nhân khác dẫn đến công tác tuyển sinh chưa tốt là còn có đơn vị thực hiện công tác tuyển sinh không hiệu quả, chưa thu hút người học; có đơn vị không thực hiện việc cập nhật báo cáo trên hệ thống thông tin điện tử nên số liệu chưa phản ánh đầy đủ kết quả tuyển sinh…
Công tác tuyển sinh tại các trường nghề vẫn còn nhiều khó khăn (Ảnh minh họa: Tùng Nguyên).
Tại hội nghị, ông Trần Văn Tú, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế TPHCM, cũng thông tin tình hình tuyển sinh của trường không có nhiều thay đổi tích cực. Theo đó, chỉ tiêu tuyển sinh của trường năm 2024 là 3.030 sinh viên, đến nay mới tuyển sinh đạt 60% chỉ tiêu.
Theo ông Trần Văn Tú, khó khăn trong công tác tuyển sinh của Trường Cao đẳng Kinh tế TPHCM cũng là khó khăn chung của các trường khối cao đẳng, trung cấp. Nguyên nhân chính là phần lớn người dân còn nặng tâm lý phải cho con học đại học, chưa hiểu hết về hệ GDNN, học nghề nên các trường nghề rất khó phát triển tuyển sinh.
Một nguyên nhân khác là 2 năm nay, Bộ GD-ĐT giao quyền cho các trường đại học tự xác định chỉ tiêu nên chỉ tiêu của từng trường rất lớn, hầu như đã tuyển hết học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông.
Ông Trần Văn Tú cũng đánh giá công tác truyền thông về GDNN hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế. Do đó, để cho người dân hiểu đúng về GDNN rất khó, phụ huynh vẫn e ngại khi lựa chọn cho con học trường nghề.
Phải tăng cường truyền thông
Tại hội nghị, đại biểu các đơn vị tham gia thảo luận nhiều nội dung khác như thuận lợi và khó khăn trong công tác đào tạo đối tượng đặc thù, bộ đội xuất ngũ, lao động thất nghiệp; công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; công tác kiểm định và đánh giá chất lượng cơ sở GDNN, chương trình đào tạo…
Các đại biểu thảo luận nhiều nội dung quan trọng (Ảnh: Tùng Nguyên).
Phát biểu kết luận hội nghị, ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM, đánh giá công tác tuyển sinh cao hơn 12% so với cùng kỳ năm 2023 là tín hiệu phấn khởi cho việc hoàn thành chỉ tiêu vào cuối năm.
"Tuy vậy, vẫn còn tiềm ẩn nhiều lo lắng khi trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp có kết quả tuyển sinh còn thấp. Điều này được nhận diện từ yếu tố khách quan nhưng các yếu tố chủ quan của các cơ sở GDNN cũng cần được quan tâm cải thiện trong thời gian 5 tháng còn lại của năm 2024", ông Lê Văn Thinh nhấn mạnh.
Ông Thinh nhắc đến những hạn chế của hệ thống GDNN hiện nay như còn có vi phạm hành chính trong lĩnh vực GDNN, công tác kiểm định chất lượng GDNN chưa được nhiều cơ sở quan tâm thực hiện…
Ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM, chi đạo tại hội nghị (Ảnh: Tùng Nguyên).
Để hoạt động GDNN thời gian tới ổn định, phát triển hơn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM Lê Văn Thinh đề nghị các đơn vị quan tâm triển khai thực hiện 8 nội dung quan trọng.
Đầu tiên, ông đề nghị các trường phải tập trung rà soát, chấn chỉnh các thiếu sót trong quá trình tổ chức hoạt động đào tạo, không vi phạm các hành vi sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực GDNN.
Nội dung quan trọng thứ 2 mà ông Lê Văn Thinh nhắc đến là các trường phải tìm kiếm, chủ động áp dụng các phương thức tuyển sinh hiệu quả hơn; phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí để đưa thông tin đến với xã hội về ngành nghề đào tạo, cơ hội việc làm trong nước và ngoài nước, cơ hội học tập ở trình độ cao hơn…
Ngoài ra, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH đề nghị các trường thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả đào tạo như: Đa dạng hóa, linh hoạt hóa các hình thức đào tạo để người học có thể đăng ký học theo nhu cầu; tăng cường phối hợp với doanh nghiệp trong quá trình tổ chức hoạt động đào tạo; phát triển các chương trình đào tạo theo hướng mở, liên thông giữa các trình độ…
Đăng thảo luận