Ford coi các hãng xe Trung Quốc là mối đe dọa thực sự
(Dân trí) - Đã qua rồi cái thời mà các hãng xe Trung Quốc bị xem như "công dân hạng hai" trong ngành công nghiệp ô tô.
Không chỉ giảm hẳn việc sao chép thiết kế của các thương hiệu quốc tế lớn, họ còn có những bước tiến vượt bậc về kỹ thuật chế tạo. Với nguồn nhân công giá rẻ và khả năng tiếp cận những vật liệu mà các nhà sản xuất ô tô quốc tế mơ ước, giờ đây họ là một thế lực không thể xem thường.
Xe điện Trung Quốc đang dần trở thành một thế lực mới trên thị trường ô tô thế giới (Ảnh minh họa: BYD).
Sau chuyến công tác tới Trung Quốc liên quan đến việc thử nghiệm xe lắp ráp tại đây, CEO của Ford đã đưa ra nhận định trên. Cụ thể, theo tờ The Wall Street Journal, ông Jim Farley đã nói với ông John Thornton, thành viên hội đồng quản trị, rằng các hãng xe điện Trung Quốc là mối đe dọa thực sự nguy hiểm.
Tại một trong những chuyến công tác của mình, ông Jim Farley đã đi cùng Giám đốc tài chính John Lawler, người đã thẳng thắn thừa nhận rằng "họ đi trước chúng ta".
CEO của Ford nói rằng đây là điều đã từng diễn ra trước đây, ý nói tới sự vươn lên của Toyota, Honda, và các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản khác và khả năng tranh giành thị phần với các thương hiệu Mỹ từ thập niên 80 của thế kỷ trước.
Tương tự, ông Farley liên tưởng sức ảnh hưởng của các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc với cách mà Hyundai và Kia đã vươn lên trong mấy thập kỷ qua, đặc biệt là trong lĩnh vực xe điện.
Vậy Ford sẽ đấu lại như thế nào? Vào đầu tháng 2, ông Farley cho biết hãng đang phát triển một nền tảng khung gầm mới dành riêng cho các mẫu xe điện giá rẻ, không chỉ đấu lại xe Trung Quốc, mà cả Tesla.
Trước mắt, hãng sẽ trình làng mẫu crossover cỡ nhỏ thuần điện mang tên Puma, với thị trường chính là châu Âu, nơi gần đây hãng đã hoãn mục tiêu đầy tham vọng là từ năm 2030 sẽ chỉ bán xe điện.
Hiện Ford không có nhiều sản phẩm xe điện. Một mẫu SUV ba hàng ghế chạy điện được cho là sẽ ra mắt vào năm 2027 (kế hoạch ban đầu là năm 2025), nhưng cuối cùng lại bị hoãn vào tháng trước.
Thêm vào đó, Ford sẽ giảm 10% vốn đầu tư vào lĩnh vực xe điện và lần thứ hai hoãn ra mắt thế hệ mới của mẫu xe bán tải điện F-150. Ban đầu, mẫu xe này được lên kế hoạch ra mắt vào năm 2025, sau đó bị lùi sang 2026, và giờ đây là 2027.
Ford đã đưa ra một số quyết định thú vị trong mấy năm gần đây. Năm ngoái, hãng dừng sản xuất Fiesta, một trong những mẫu xe bán chạy nhất châu Âu. Trước đó, mẫu Mondeo bị ngừng sản xuất vào năm 2022, còn mẫu Focus sẽ bị khai tử vào năm 2025. Ba mẫu xe này đã bị khai tử tại Mỹ từ cách đây vài năm. Trong khi đó, mẫu Ford Taurus đã dừng sản xuất vào năm 2019.
Chính phủ nhiều nước trên thế giới đã nhận thấy mối đe dọa từ Trung Quốc và đã áp thuế cao với xe điện sản xuất tại Trung Quốc. Tuần trước, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chốt mức thuế 100% đối với xe điện Trung Quốc. Văn phòng đại diện thương mại Mỹ thông báo mức thuế nhập khẩu này sẽ có hiệu lực từ ngày 27/9.
Cũng vào tuần tới, Liên minh châu Âu (EU) sẽ bỏ phiếu về vấn đề thuế đối với xe điện Trung Quốc. Theo trang Automotive News Europe, EU muốn áp thuế suất 36,3% với SAIC. Công ty mẹ của Volvo là Geely có thể bị áp thuế 19,3%, còn xe của BYD xuất sang châu Âu sẽ chịu thuế 17%.
Tuy nhiên, theo hãng tin Bloomberg, các mức thuế suất này có thể sẽ giảm.
Đăng thảo luận