Trao đổi với Tuổi Trẻ, chuyên gia dự báo khả năng vượt 1.300 điểm có thể lặp lại tuần này. Song ngưỡng này từng khó giữ vững, việc vượt đỉnh thời gian ngắn rồi lại lùi lại 1.200 điểm sẽ khiến nhà đầu tư “uể oải”.
Thị trường chứng khoán Việt Nam suốt 20 năm nay vẫn loanh quanh vùng 1.200 khiến nhiều nhà đầu tư "tâm tư" - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Phiên cuối tuần trước, VN-Index chạm 1.300 điểm ít phút, sau đó không giữ được mốc này khi áp lực bán tăng mạnh. Chuyên gia dự báo gì về khả năng vượt lại đỉnh cũ tuần này?
Chứng khoán vượt 1.300 rồi đi tiếp hay lùi lại?
* Bà Trần Thị Khánh Hiền - giám đốc khối phân tích Chứng khoán MB (MBS):
- Thị trường tuần qua tăng điểm, khối ngoại cũng giảm đà bán ròng và tích cực mua ròng trở lại nhiều phiên, thanh khoản cải thiện.
Khả năng vượt lại đỉnh 1.300 chỉ là sớm hay muộn, nhưng xu hướng được quan tâm là vượt xong sẽ thế nào? Đi tiếp hay quay trở lại vùng 1.200 như cách bao nhiêu năm nay vẫn lặp đi lặp lại, gây uể oải, mất niềm tin với nhà đầu tư?
Một số rủi ro vĩ mô đã qua đi, tỉ giá hạ nhiệt. Nhiều doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu ghi nhận tăng trưởng.
Quý cuối năm thường là giai đoạn tích cực nhất trong chu kỳ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Ngoài ra, câu chuyện nâng hạng thị trường vẫn đang được thúc đẩy với những bước tiến mới.
Với các yếu tố nêu trên, chúng tôi giữ nguyên dự báo VN-Index cuối năm nay sẽ ở vùng 1.340 - 1.380 điểm.
Bà Trần Thị Khánh Hiền
Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn luôn khó đoán định, cùng với đó một số yếu tố vẫn còn đáng lưu tâm.
Vừa qua, thị trường thế giới tăng mà Việt Nam không tăng. Tỉ lệ nhà đầu tư tổ chức không nhiều trong khi số lượng nhà đầu tư cá nhân áp đảo nên dễ biến động.
Mức độ chấp nhận rủi ro của nhà đầu tư cá nhân sẽ mang tính ngắn hạn hơn dẫn đến sự biến động của thị trường. Do vậy về lâu dài vẫn cần sự thay đổi về bản chất, cấu trúc của thị trường để hướng tới sự phát triển bền vững hơn.
Ngoài ra, sản xuất, xuất khẩu phục hồi tốt từ tháng 3 đến nay, tuy nhiên cầu tiêu dùng chưa phục hồi tương ứng. Số liệu vẫn cho thấy tăng trưởng tiêu dùng đi ngang, thể hiện tâm lý thắt chặt chi tiêu của người dân vẫn còn.
Với dòng vốn ngoại, họ đã rút ra khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam tương đối mạnh suốt cả năm vừa qua. Fed hạ lãi suất, chưa có nhiều kỳ vọng về dòng vốn ngoại sẽ quay trở lại Việt Nam mạnh mẽ ngay thời điểm này mà chỉ nên hy vọng đà bán tháo giảm bớt.
Lần áp đỉnh 1.300 này có sự khác biệt
* Ông Nguyễn Thế Minh - giám đốc khối nghiên cứu và phát triển khách hàng cá nhân Chứng khoán Yuanta Việt Nam:
- Các phiên giao dịch cuối tuần vừa qua cho thấy tâm lý sợ mốc 1.300 điểm trở lại khiến thị trường xuất hiện các nhịp điều chỉnh.
Dù tâm lý sợ vẫn có nhưng điểm khác biệt so với giai đoạn tháng 3 và tháng 6 năm nay là chỉ số VN30 đã vượt đỉnh (1.352 điểm).
Ông Nguyễn Thế Minh
Động lực lớn đến từ cổ phiếu vốn hóa lớn, trong đó có nhóm ngân hàng. Trong các đợt sóng lớn của thị trường vẫn luôn có trợ lực của ngân hàng, chứng khoán và bất động sản.
Vừa qua, nhóm ngân hàng và chứng khoán tăng giá với thanh khoản cao. Nhà đầu tư có thể cân nhắc tới vận động dòng tiền khi hướng tới nhóm cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán.
Trong khi đó, với các cổ phiếu vốn hóa nhỏ và vừa, dòng tiền lan tỏa chậm hơn và nhà đầu tư sẽ bị thử thách kiên nhẫn trước khi có những thành quả rõ ràng với nhóm này.
Nhà đầu tư nên thận trọng hơn
* Ông Đinh Quang Hinh - trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường Chứng khoán VNDirect:
- Việc VN-Index lùi về lại sát mức 1.290 điểm không gây bất ngờ. Từ đầu năm tới nay vùng trên 1.300 điểm vẫn luôn chịu áp lực chốt lời mạnh và khó giữ vững.
Trong bối cảnh chưa có dấu hiệu nào cho thấy chỉ số VN-Index có thể dễ dàng vượt mốc 1.300 điểm thì việc nhà đầu tư cân nhắc điều chỉnh lại tâm lý theo hướng thận trọng hơn, tránh tâm lý Fomo “mua đuổi những cổ phiếu đã có nhịp tăng nóng”.
Ông Đinh Quang Hinh
Đồng thời việc quản trị rủi ro danh mục đầu tư cần được đặt ưu tiên cao, theo đó nhà đầu tư cần chủ động chốt lời một phần những mã cổ phiếu đã tăng nhanh trên 15% trong 2 tuần gần đây và giảm tỉ lệ cổ phiếu xuống ngưỡng an toàn (dưới 100%).
Cần hạn chế việc giải ngân mới và sử dụng đòn bẩy tài chính, ít nhất là cho đến khi chỉ số VN-Index xác nhận rõ xu hướng vận động sau khi thử thách lại vùng kháng cự 1.300 điểm.
Việc giải ngân mới nên được thực hiện khi chỉ số vượt thành công vùng kháng cự 1.300 điểm một cách chắc chắn và tin cậy hoặc lùi lại vùng giá hỗ trợ tại 1.260-1.270 điểm.
Đăng thảo luận