18 tuổi mới bắt đầu học múa, Nguyễn Hải Trường từng rơi vào bế tắc, chơi game suốt ngày vì học mãi không vào. Song với sự cố gắng nỗ lực, anh đã vượt qua bản thân, trở thành biên đạo múa xuất sắc.
Sinh năm 1989 tại Đông Hà, Quảng Trị - mảnh đất có bề dày lịch sử, văn hóa, truyền thống anh hùng cách mạng, vì thế chàng trai Nguyễn Hải Trường rất yêu mến văn hóa dân tộc. Biên đạo múa sinh năm 1989 nói tình yêu đó ngấm dần từ thơ bé, đến khi làm nghề, luôn thôi thúc anh dựng các tác phẩm đậm nét văn hóa truyền thống.
Biên đạo múa Nguyễn Hải Trường. Ảnh: NVCCTìm thấy 'ánh sáng cuối đường hầm' nhờ học biên đạo múa
Khi còn trong bụng mẹ, Hải Trường không nhận được sự yêu thương từ cha. Mẹ anh làm nghề phụ hồ, nuôi anh lớn lên trong hoàn cảnh khó khăn. Hải Trường chia sẻ cuộc đời mẹ là "chuỗi bi kịch nối tiếp bi kịch". Dù gia đình không ai theo nghệ thuật, Hải Trường chọn con đường múa đầy thử thách vì cho rằng nghề múa chọn mình.
Khi bắt đầu học lớp 11, Hải Trường ra Hà Nội thi vào Trường Cao đẳng Múa Việt Nam (nay là Học viện Múa Việt Nam) nhưng không thành công. Sau khi hoàn thành lớp 12, anh tiếp tục đăng ký và trúng tuyển. Học múa bắt đầu khi đã 18 tuổi, Hải Trường gặp khó khăn vì cơ thể cứng và không dễ dàng theo kịp các bạn cùng khóa.
4 năm học múa là quãng thời gian Hải Trường cảm thấy chênh vênh nhất bởi không xác định được mình muốn gì. Càng học, càng nhận ra không hợp, anh chán nản bỏ học, thường xuyên có mặt ở quán game.
Bước ngoặt lớn nhất của Hải Trường là khi anh tiếp tục đăng ký học chuyên ngành biên đạo múa tại Học viện Múa Việt Nam.
“Tôi như nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm, tìm được cái mình mong muốn và được thể hiện hết năng lượng có sẵn”, Hải Trường bày tỏ.
Tiết mục múa "Nàng Mây". Ảnh: Lê Huy Hoàng HảiNghệ sĩ trẻ đắm đuối với văn hóa truyền thống
Gắn bó với nghề biên đạo múa suốt 12 năm, Hải Trường nổi bật với các sáng tác về đề tài chiến tranh cách mạng, phản ánh mối quan hệ giữa con người trong cuộc sống hàng ngày, không gian tâm linh, phong tục tập quán và sắc màu văn hóa của các vùng miền, dân tộc.
“Lớn lên ở mảnh đất Quảng Trị - vùng đất lửa, nơi trải qua những năm tháng chiến tranh ác liệt, hơn ai hết, những câu chuyện về cuộc chiến tranh hào hùng của dân tộc như ngấm vào cảm xúc, trí tưởng tượng của tôi. Bởi vậy, dù là người trẻ, tôi thích tìm hiểu sâu hơn và mong muốn thể hiện về đề tài chiến tranh cách mạng”, Hải Trường chia sẻ.
Hải Trường cũng đắm đuối với đề tài dân gian, đặc biệt là đặc trưng văn hóa của các làng nghề truyền thống. Với một người trẻ, Hải Trường gặp nhiều thử thách.
“Những năm trước, là một sinh viên mới ra trường, đối mặt với nỗi lo cơm áo gạo tiền, việc sáng tác múa rất khó khăn. Ngoài bỏ công sức tìm hiểu để dựng tác phẩm, biên đạo cần có chi phí cho âm nhạc, đạo cụ, phục trang, thuê diễn viên... Dần dần, khi các tác phẩm được đón nhận, tôi có kinh phí để nuôi đam mê, tập trung sáng tạo và khai thác, dàn dựng tác phẩm múa chuyên nghiệp”, Hải Trường chia sẻ.
Tại Liên hoan Múa quốc tế 2024, vở thơ múa Nàng Mây được trao huy chương Vàng, Hải Trường giành Biên đạo xuất sắc.
"Nàng Mây" khai thác câu chuyện về làng nghề truyền thống mây tre đan.Nàng Mây khai thác câu chuyện về làng nghề mây tre đan truyền thống. Bằng chất liệu múa dân gian kết hợp với múa đương đại, Hải Trường kể câu chuyện về đời sống văn hóa Việt, lan tỏa vẻ đẹp của làng nghề, nơi chứa đựng tâm hồn, sự bền bỉ, khéo léo, mộc mạc nhưng không kém phần tài hoa, tinh tế của những người thợ giữ nghề truyền thống. Tác phẩm cũng truyền tải thông điệp gìn giữ bản sắc và phát triển bền vững nghề truyền thống, đồng thời nâng tầm sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt ra quốc tế và đóng góp vào việc làm và kinh tế cho người dân làng nghề.
Hải Trường tâm sự, văn hóa các dân tộc và vùng miền đa dạng, nhưng nhiều nghệ sĩ và biên đạo tiền bối đã khai thác tốt. Vì thế, anh gặp nhiều áp lực khi theo đuổi đề tài này.
"Chúng tôi phải đi thực địa, tìm hiểu phong tục tập quán hay văn hóa đặc trưng của từng vùng đất, từ đó xây dựng tác phẩm có góc nhìn sâu sắc hơn và không đi theo lối mòn. Tôi quan niệm, sáng tạo nhưng trong khuôn khổ cho phép, đưa ra tác phẩm mà bản thân người bản địa, chủ thể văn hóa ấy không nhận ra là bất lợi", anh tâm sự.
Dù gặp khó khăn, Hải Trường cảm thấy thuận lợi khi tiếp cận đề tài với góc nhìn của thế hệ trẻ và được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố sáng tạo như công nghệ, âm nhạc và sân khấu...
"Thế hệ của tôi đang ở giữa việc bảo tồn, phát huy truyền thống, đồng thời không ngừng phát triển. Qua những tác phẩm nghệ thuật trên sân khấu, nghệ sĩ cũng là người quảng bá văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, tác phẩm còn phải đổi mới theo xu hướng thế giới, đáp ứng thị hiếu khán giả, để họ đến và trải nghiệm, được mãn nhãn, từ đó thấy thú vị với câu chuyện mình mang đến. Vì vậy, người làm nghệ thuật phải vừa sáng tạo không ngừng, vừa bảo tồn văn hóa dân tộc một cách chuẩn mực, mới có thể phát triển bền vững", Hải Trường chia sẻ.
Cảm hứng từ bản sắc văn hóa, đời sống đồng bào các dân tộc đã giúp biên đạo múa Nguyễn Hải Trường sáng tạo nhiều tác phẩm giành giải thưởng như: Giải A cuộc thi Tác phẩm múa các dân tộc thiểu số Việt Nam 2016 với Lễ bỏ mả; Giải C Giải thưởng nghệ thuật Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam (2017) với Một ngày trên bản; Giải Nhất cuộc thi Tài năng trẻ biên đạo múa toàn quốc năm 2019 với Cuội già…; và gần đây Nàng Mây giành Huy chương Vàng tại Liên hoan Múa quốc tế 2024.
Chiêm ngưỡng những tiết mục múa quốc tế đặc sắc tại HuếNhiều vở diễn đặc sắc với những hoạt cảnh lạ mắt được trình diễn trong 4 đêm Liên hoan Múa quốc tế diễn ra ở Thừa Thiên Huế.
Đăng thảo luận