Tháng 10 của các năm bầu cử Mỹ thường ẩn chứa bất ngờ, có thể thay đổi vị thế của các ứng viên trên đường đua vào Nhà Trắng.
"Tôi đoán sẽ có điều gì đó xảy ra trong tháng 10, như thường lệ", cựu ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton trả lời phỏng vấn ngày 27/9. "Sẽ có những nỗ lực nhằm bóp méo và làm sai lệch thông tin về Kamala Harris, về con người bà ấy, về những gì Phó tổng thống đại diện hay từng làm".
Bà Clinton đề cập "bất ngờ tháng 10", hiệu ứng xuất hiện gần ngày bầu cử Mỹ vào đầu tháng 11, có thể tác động đến vị thế của ứng viên tổng thống trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Cựu ngoại trưởng từng tranh cử năm 2016 và được cho là gặp bất lợi, dẫn đến thua cuộc, vì yếu tố này.
Oscar Winberg, chuyên gia về chính trường Mỹ tại Viện Turku về Nghiên cứu cao cấp, Phần Lan, giải thích "bất ngờ tháng 10" thường có ba kiểu: diễn biến ngoại giao của Mỹ trên trường quốc tế, bê bối chính trị từ quá khứ được phơi bày dưới dạng rò rỉ hoặc sự kiện nghiêm trọng trong nước, như thảm họa thiên nhiên, đại dịch, điều tra hình sự.
Ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Kamala Harris và đối thủ đảng Cộng hòa Donald Trump. Ảnh: Reuters
Cụm từ "bất ngờ tháng 10" được dùng phổ biến trong cuộc bầu cử năm 1980, giữa ứng viên Cộng hòa Ronald Reagan và Tổng thống Jimmy Carter. Đây là thời điểm xảy ra khủng hoảng con tin Iran, hàng chục công dân Mỹ bị Tehran giữ.
Phe Reagan lo ngại ông Carter tạo ra "bất ngờ tháng 10" bằng cách khiến Iran thả con tin ngay trước ngày bầu cử 4/11, khiến cơ hội chiến thắng của đương kim Tổng thống rộng mở.
Một số nguồn tin cáo buộc rằng để chặn kịch bản này, William J. Casey, quản lý chiến dịch tranh cử của ông Reagan, đã gặp đại diện Iran vào tháng 7 và 8 ở Tây Ban Nha. Cuộc gặp dẫn đến một thỏa thuận vào tháng 10/1980 ở Paris, Pháp, hứa hẹn chính quyền Reagan trong tương lai sẽ chuyển vũ khí cho Iran thông qua Israel, đổi lại, Tehran giữ con tin đến hậu bầu cử.
Cuối cùng, ông Reagan thắng cử và chỉ vài phút sau khi tân tổng thống kết thúc bài phát biểu nhậm chức tháng 1/1981, Iran thông báo thả các con tin Mỹ. Thượng viện và Hạ viện Mỹ sau đó mở các cuộc điều tra, nhưng đều kết luận không đủ bằng chứng chứng minh cáo buộc phe ông Reagan lập thỏa thuận với Iran.
Tháng 10/2016, New York Times công khai hồ sơ thuế năm 1995 của Trump, cho thấy khoản lỗ 900 triệu USD mà ông kê khai khi đó có thể đã giúp ông tránh nộp thuế liên bang suốt 18 năm. Ngày 8/10, một bản ghi âm năm 2005 được công bố, trong đó Trump khoe khoang về việc sờ soạng phụ nữ.
Cũng trong tháng này, Wikileaks công bố hàng nghìn email rò rỉ từ chiến dịch của bà Hillary Clinton. Email chứa trích đoạn các bài phát biểu của bà Clinton trong sự kiện nội bộ của các công ty tài chính lớn, cho thấy bà ủng hộ nhiều quan điểm có lợi cho giới siêu giàu. Bà cũng ca ngợi một kế hoạch ngân sách sẽ dẫn đến cắt giảm an sinh xã hội và thừa nhận rằng bà cảm thấy "xa rời" tầng lớp trung lưu, mặc dù đã tuyên bố trong chiến dịch rằng bà đang đấu tranh cho họ.
Diễn biến được cho là bước ngoặt xảy ra ngày 28/10, chỉ 11 ngày trước thời điểm tổng tuyển cử, giám đốc Cục Điều tra Liên bang (FBI) thông báo nối lại cuộc điều tra, vốn đã kết thúc hồi tháng 7 cùng năm, về cáo buộc bà Clinton sử dụng email cá nhân để xử lý thông tin mật trong thời gian đương chức ngoại trưởng.
Sau khi thông tin xuất hiện, tỷ lệ ủng hộ cựu ngoại trưởng trong các thăm dò giảm 1,3 điểm phần trăm. Những diễn biến trên được cho là đã ảnh hưởng tiêu cực đến bà Clinton trong cuộc đua sít sao với ông Trump. Ứng viên Cộng hòa sau đó đắc cử.
Devlin Barrett, phóng viên tờ Washington Post, viết trong cuốn October Surprise xuất bản năm 2020 rằng dù FBI không đề cập nội dung các email của bà Clinton, thông tin nối lại điều tra "đã khiến bà ấy thua cuộc".
"'Bất ngờ tháng 10' cho thấy càng gần ngày bầu cử, các thông tin càng dễ xoay chuyển mọi thứ", David Greenberg, nhà sử gia chính trị tại Đại học Rutgers, bang New Jersey, nói.
Theo ông Greenberg, một bê bối lớn vào tháng 7 không có ảnh hưởng nhiều, trừ khi nó nghiêm trọng đến mức khiến ứng viên phải rời cuộc đua. "Nhưng vẫn bê bối đó, nếu xuất hiện một hoặc hai tuần trước ngày bầu cử, nó sẽ là trở ngại".
Trong cuộc bầu cử năm 2020, loạt bất ngờ tháng 10 bắt đầu bằng việc New York Times công bố kết quả điều tra hồ sơ thuế của ông Trump, cho thấy ông chỉ đóng 750 USD tiền thuế năm 2016 và 2017, có khoản nợ hơn 400 triệu USD.
Covid-19 cũng được coi là "thiên nga đen" với ông Trump. Dịch bệnh xuất hiện tại cả Nhà Trắng, trong khi ông Trump lại từng xem nhẹ và có phát ngôn gây tranh cãi về Covid-19. Trong nỗ lực tái tranh cử này, ông Trump đã để thua đối thủ đảng Dân chủ Joe Biden.
Một ngôi nhà ở Chimney Rock, bang Bắc Carolina bị hư hại do bão Helene ngày 2/10. Ảnh: AFP
Cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay khó đoán, tỷ lệ ủng hộ ông Trump và Phó tổng thống Harris trong các thăm dò toàn quốc không chênh lệch quá nhiều. Trong khi đó, chính trường Mỹ và thế giới tiềm ẩn hàng loạt diễn biến có thể làm lệch cán cân giữa hai ứng viên.
Nước Mỹ vừa hứng chịu siêu bão Helene và Milton, được mô tả là "mạnh nhất thế kỷ". Helene gây thiệt hại lớn ở Georgia và Bắc Carolina, hai bang chiến trường trong mùa bầu cử 2024. Ông Trump đã chỉ trích chính quyền Tổng thống Biden về cách ứng phó và cứu trợ sau bão.
Trung Đông bên bờ vực một cuộc chiến tổng lực, khi căng thẳng Israel - Iran leo thang. Ảnh hưởng của Mỹ đến Israel suy giảm và Washington nguy cơ bị kéo vào xung đột. Căng thẳng có thể đẩy giá dầu cao hơn, tác động đến chi phí sinh hoạt - một trong những vấn đề được cử tri quan tâm hàng đầu.
Ông Trump đang vướng loạt bê bối pháp lý. Thẩm phán liên bang hồi đầu tháng 10 đã công bố hồ sơ mới từ công tố viên đặc biệt Jack Smith liên quan vụ bạo loạn Đồi Capitol và nỗ lực lật kèo bầu cử năm 2020, một trong 4 vụ truy tố cựu tổng thống phải đối mặt.
Winberg cho rằng "bất ngờ tháng 10" dần phổ biến trong những năm gần đây, do ngày càng xuất hiện nhiều nỗ lực gây sai lệch thông tin, nhưng yếu tố này không còn ảnh hưởng mạnh như trước, vì gần đây hầu hết cử tri trung thành với đảng họ đã chọn.
Ngoài ra, ngày càng có nhiều người Mỹ bỏ phiếu sớm qua đường bưu điện, xu hướng được thúc đẩy bởi đại dịch Covid-19. Do đó, những diễn biến vào phút chót không tác động đến họ nữa.
Tuy nhiên, Winberg cũng chỉ ra rằng cuộc đua hiện nay đang rất sít sao và không thể coi nhẹ tác động của hiệu ứng. "Trong hệ thống chính trị lưỡng đảng, phân cực ở Mỹ hiện nay, mỗi phe đều nhận được tỷ lệ ủng hộ 45-47%, do đó, không còn nhiều cử tri do dự để thu hút. Nhưng điều này cũng đồng nghĩa những thay đổi nhỏ cũng có thể tạo ra khác biệt", ông nói.
Như Tâm (Theo BBC, France 24)
Đăng thảo luận