Để luyện áp lực thời gian, căng thẳng như thi thật, thí sinh thi Kỹ năng nghề thế giới (WorldSkills) tìm đối thủ thi đấu online hoặc sang Áo, Hàn Quốc để nâng cao tay nghề.
Phạm Thành Đạt (bìa trái) và Cù Đức Hiếu - Ảnh: HÀ QUÂN
Ngày 17-9, đoàn Việt Nam thi Kỹ năng nghề thế giới (WorldSkills) tại Lyon (Pháp) đã về tới Hà Nội.
Trước đó, tại lễ bế mạc kỳ thi sáng 16-9 (giờ Việt Nam), đoàn Việt Nam giành được một huy chương đồng ở nghề phay CNC.
Đó là Phạm Thành Đạt - Trường đại học Công nghiệp Hà Nội với thành tích 729 điểm, xếp sau huy chương vàng Weijie Long (Trung Quốc) và hai huy chương bạc Jongsu Nam (Hàn Quốc) và André Luis Dono (Brazil).
Bí mật luyện kỹ năng nghề thế giới
Rạng rỡ tại sân bay, Phạm Thành Đạt chia sẻ để giành huy chương, giai đoạn luyện tập nâng cao rất vất vả. Có lúc, em nghĩ từ bỏ, song bằng năng lượng tích cực, động viên của mọi người và cố gắng của bản thân nên vượt qua tất cả.
Đạt từng thất bại nhiều lần, nhất là với chi tiết mỏng, khi gia công bị bóp méo, không đúng kích thước. Đến khi sang Áo dùng thử máy móc hay sang Hàn Quốc cọ xát với các đối thủ đáng gờm, Đạt cảm thấy tự tin, sẵn sàng vào kỳ thi quốc tế.
"Em hơi tiếc nuối khi khoảng cách giữa em và huy chương bạc chỉ là 1 điểm, nếu như em chỉn chu hơn thì… Trước mắt em sẽ trở về trường hoàn thành chương trình học tập để ra trường và hỗ trợ đào tạo các thế hệ kế cận để đi thi", Đạt bộc bạch.
Lãnh đạo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tặng hoa đoàn Việt Nam trở về từ kỳ thi Kỹ năng nghề thế giới (WorldSkills) tại Lyon (Pháp) - Ảnh: HÀ QUÂN
Cù Đức Hiếu - sinh viên Trường đại học Công nghiệp Hà Nội, đạt chứng chỉ nghề xuất sắc về tiện CNC - cho hay để có thành tích hôm nay, Hiếu từng dành cả tháng trời luyện tập, thi đấu với các đối thủ trong 4 tiếng liên tục, không có giờ nghỉ.
Theo Hiếu, đây là cách em luyện phân chia thời gian, giảm thao tác lẫn lỗi phát sinh và rèn ý chí, thể lực. Hay có lúc đến ngưỡng điểm số, bản thân nản vì không tiến bộ, nhưng vì có anh chị, chuyên gia, sếp động viên, tạo điều kiện cọ sát, thi đấu và nghĩ bản thân đã phấn đấu nhiều năm nên lại bước tiếp.
“Việc xác định kích thước từng sản phẩm không đơn giản. Đến giờ, em vẫn sợ bài đa vật liệu hoặc dạng bài có nhiều cụm chi tiết nhỏ. Hôm thi, em ưu tiên máy chạy gia công từng phần rồi lập trình để máy chạy tiếp giai đoạn sau, không để thời gian chết”, Hiếu tâm sự.
Cù Đức Hiếu tiết lộ để chuẩn bị thi Kỹ năng nghề thế giới (WorldSkills), mỗi tháng, em dành một buổi để thi đấu trực tuyến (online) với các đối thủ khác để làm quen với áp lực thời gian, căng thẳng như thi thật, chỉ khác là thi đấu qua màn hình máy tính.
“Ai muốn theo nghề cũng phải có đam mê, kiên trì, nhẫn nại vì thời gian đào tạo rất lâu, nhiều lúc gặp chán nản. Nhưng hãy nghĩ đến cơ hội việc làm rộng mở, niềm tin giúp ích cho xã hội từ các sản phẩm như bu lông, trụ lan can…”, Hiếu nói.
Phạm Thành Đạt (bìa phải) trên bục nhận huy chương Kỹ năng nghề thế giới năm 2024 - Ảnh: NGUYỄN CHÍ TRƯỜNG
Sẽ có thêm chính sách nâng cao kỹ năng nghề
Ông Yoichi Igarashi - phó tổng giám đốc Công ty TNHH DENSO Việt Nam (đơn vị huấn luyện) - cho biết công ty và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục họp rút kinh nghiệm, đánh giá hỗ trợ nhiều thí sinh Việt Nam tham gia, đạt thành tích trong các kỳ thi kỹ năng quốc tế.
Theo ông Trương Anh Dũng - tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), kỳ thi kỹ năng nghề thế giới được các nước gần Việt Nam như Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản đầu tư bài bản, công phu. Họ có lực lượng chuyên gia, thí sinh rất tốt.
“Họ là các quốc gia có năng suất lao động rất tốt, có sức cạnh tranh trên thị trường lao động. Chúng ta học tập được rất nhiều từ đào tạo nhân lực có kỹ năng nghề cho tới huấn luyện kỹ năng. Trong các năm gần đây, Việt Nam liên tiếp có huy chương đồng, huy chương bạc với sự đầu tư của cả nhà nước và tư nhân.
Thời gian tới, chúng ta cần có thêm nhiều chính sách thúc đẩy, khuyến khích nâng cao kỹ năng nghề cũng như thu hút doanh nghiệp tham gia, đồng hành trong các kỳ thi kỹ năng nghề…”, ông cho hay.
Tại Lyon năm nay, đoàn Việt Nam dành 3 chứng chỉ nghề xuất sắc ở nghề quản trị hệ thống mạng công nghệ thông tin cho Hồ Chí Nguyên (Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long), nghề thiết kế kỹ thuật cơ khí CAD cho Nguyễn Khoa Hải Minh (Trường đại học Giao thông vận tải TP.HCM) và nghề tiện CNC cho Cù Đức Hiếu (Trường đại học Công nghiệp Hà Nội).
Đây là lần thứ 5 Việt Nam liên tục đoạt được huy chương tại Kỳ thi kỹ năng nghề thế giới.
Đăng thảo luận