Áp lực đảm bảo doanh thu giữa bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng buộc Apple phải đi dây và khó có chuyện tập đoàn này sẽ từ bỏ sự liên quan đến Trung Quốc.
CEO Apple Tim Cook chụp ảnh với người hâm mộ tại Trung Quốc - Ảnh: Weibo Tim Cook
Trong nhiều năm, Apple chỉ tập trung vào các thị trường lớn, xem những nước đang phát triển như thị trường hạng hai, hạng ba. Căng thẳng địa chính trị giữa Trung Quốc với Mỹ đã khiến tập đoàn này phải xem lại và hướng sự chú ý nhiều hơn đến những nước ở gần Trung Quốc.
Chuyến công tác một loạt nước châu Á gần đây của giám đốc điều hành (CEO) Apple, ông Tim Cook, đã thu hút sự chú ý của các iFan (những người hâm mộ các sản phẩm Apple) và giới hoạch định chính sách.
Chiến lược của Apple
Theo Nikkei Asia, Apple đang đi ngược lại chiến lược của các công ty cùng ngành có trụ sở tại Mỹ như Dell và HP. Dell đặt mục tiêu loại bỏ tất cả các chip và linh kiện do Trung Quốc sản xuất, trong khi HP yêu cầu các nhà cung cấp xây dựng nhà máy ở Đông Nam Á và Mexico.
"Có lẽ hơn bất kỳ công ty nào khác của Mỹ, Apple đang đi trên dây giữa Washington và Bắc Kinh", tuần báo của Nhật Bản nhận định.
Điều này không chỉ xuất phát từ việc các công ty Trung Quốc đang chiếm số lượng đông đảo trong chuỗi cung ứng, mà còn vì doanh thu của tập đoàn này từ Trung Quốc đại lục. Thị trường điện tử tiêu dùng lớn nhất thế giới vẫn chiếm 17% tổng doanh thu của Apple trong quý cuối năm 2023.
CEO Apple Tim Cook gần đây đã hoạt động như một nhà ngoại giao cho các hoạt động của gã khổng lồ công nghệ Mỹ. Ông di chuyển như con thoi giữa Mỹ và khu vực Đông Á.
Vào tháng 3, Tim Cook bắt đầu chuyến thăm Trung Quốc kéo dài một tuần. Trong đó, ông không chỉ gặp gỡ giám đốc điều hành của các nhà cung cấp chính như nhà lắp ráp iPad BYD và nhà sản xuất vật liệu thủy tinh Lens Technology mà còn gặp các quan chức cấp cao của Trung Quốc.
Tim Cook còn tổ chức lễ khai trương cửa hàng Apple Store mới tại Thượng Hải và tuyên bố sẽ mở rộng trung tâm nghiên cứu, phát triển của Apple tại đó.
Theo hãng truyền thông nhà nước China Daily, ông Cook cũng nhấn mạnh vai trò của Trung Quốc đối với thành công của Apple: "Không có chuỗi cung ứng nào trên thế giới quan trọng đối với chúng tôi hơn Trung Quốc".
Vài tuần sau chuyến thăm Trung Quốc, Tim Cook tiếp tục con đường ngoại giao với chuyến công du qua Đông Nam Á.
Tại đó, ông gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính, Tổng thống Indonesia Joko Widodo và Lawrence Wong, người sắp trở thành thủ tướng Singapore.
Ở mỗi điểm đến tại Đông Nam Á, CEO Apple đều mang theo một thông điệp tích cực. Ông thông báo sẽ tăng chi tiêu cho các nhà cung cấp ở Việt Nam, xem xét sản xuất ở Indonesia và đầu tư hơn 250 triệu USD vào cơ sở ở Singapore cho trí tuệ nhân tạo cùng nhiều công nghệ khác.
Các nhà cung cấp cho Apple tại Trung Quốc đại lục năm 2023 - Ảnh chụp màn hình Nikkei Asia
Apple vẫn cần Trung Quốc
Một phân tích của tờ Nikkei Asia về danh sách các nhà cung cấp chính thức mới nhất của Apple cho thấy nhà táo khuyết đang tăng cường quan hệ với các công ty có trụ sở tại Trung Quốc vào năm 2023.
Đồng thời tập đoàn này cũng sử dụng ít hơn các nhà cung cấp từ vùng lãnh thổ Đài Loan, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Danh sách mới nhất bao gồm 187 công ty, chiếm khoảng 98% hoạt động mua sắm Apple cho năm tài chính 2023.
Trung Quốc vẫn đứng đầu về số lượng nhà cung cấp kể từ năm 2020 và năm ngoái, con số này đã tăng lên 52, nhiều hơn năm trước đó 4 nhà cung cấp.
Số cơ sở sản xuất đặt tại Trung Quốc, bao gồm cả những cơ sở thuộc sở hữu của các công ty trong và ngoài nước, đã tăng thêm 10 cơ sở, lên con số 286.
Các nhà cung cấp Đài Loan vẫn giữ vị thế là nhóm lớn thứ hai trong chuỗi cung ứng của Apple, tiếp theo là các nhà cung cấp từ Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Trong bối cảnh cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung Quốc ngày càng khốc liệt, Apple đã tăng tốc dịch chuyển chuỗi cung ứng sang Đông Nam Á.
Số lượng nhà cung cấp của Apple hoạt động tại Việt Nam đã tăng 40% lên 35 vào năm ngoái, trong khi số lượng ở Thái Lan tăng khoảng 1/3 lên 24.
Số lượng nhà cung cấp ở Ấn Độ vẫn ở mức 14, trong đó Tập đoàn Tata Group lọt vào danh sách các nhà cung cấp hàng đầu lần đầu tiên.
Tập đoàn này cung cấp vỏ iPhone và sự hiện diện của họ trong chuỗi cung ứng dự kiến sẽ tăng lên sau khi Tata Group mua lại một nhà máy lắp ráp iPhone từ Wistron của Đài Loan.
"Nhưng dấu chân ngày càng tăng của Apple ở Ấn Độ và Đông Nam Á không nhất thiết dẫn đến việc giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc", tờ Nikkei Asia nhận định.
Phân tích của Nikkei Asia cho thấy khoảng 37% trong số 35 nhà cung cấp của Apple tại Việt Nam là đến từ Trung Quốc và Hong Kong, bao gồm nhà lắp ráp AirPods Luxshare và Goertek, nhà lắp ráp iPad BYD. Cả ba đều đã mở rộng năng lực sản xuất tại Việt Nam để phục vụ Apple.
Ngoài ra, cũng có các nhà cung cấp khác của Trung Quốc lần đầu tiên lọt vào danh sách bao gồm San'an Optoelectronics, công ty sản xuất đèn LED và gallium nitride, Baoji Titanium Industry, nhà cung cấp titan và niken có trụ sở chính tại Thiểm Tây, và Jiuquan Iron & Steel, một công ty có trụ sở tại Cam Túc.
Khó có cứ điểm không liên quan Trung Quốc?
Bà Karen Ma Li-Yen, thuộc Công ty tư vấn IEK Consulting, tin rằng Apple sẽ tiếp tục xu hướng "chân trong chân ngoài" Trung Quốc trong tương lai.
"Nếu Apple hy vọng tiếp tục bảo đảm thị phần tại Trung Quốc, họ phải chia sẻ một số lợi ích với các nhà cung cấp Trung Quốc. Mặc dù vậy, không phải tất cả đều liên quan đến các yếu tố địa chính trị. Rất nhiều nhà cung cấp Trung Quốc có thể cung cấp các linh kiện chất lượng với mức giá hợp lý", bà Ma nêu nhận định.
Ma, người cũng là một chuyên gia về Đông Nam Á, khẳng định các nhà cung cấp của Apple không có khả năng từ bỏ hoạt động sản xuất tại Trung Quốc mà sẽ đẩy mạnh sản xuất bên ngoài nước này.
Nói một cách khác, những cam kết của Apple (nếu có) về các cứ điểm sản xuất mới bên ngoài Trung Quốc vào thời điểm hiện tại chỉ là những lời ngoại giao khéo léo. Những ông chủ của các tập đoàn lớn luôn đặt lợi ích doanh thu và lợi nhuận của họ lên trên hết.
"Việt Nam và Thái Lan hiện là điểm đến phổ biến nhất của các công ty công nghệ và nhà cung cấp của họ", bà Ma nói.
"Tuy nhiên, Việt Nam gần đây chứng kiến sự gia tăng đột biến của các công ty mới chuyển đến, dẫn đến hạn chế về điện và lao động. Điều này khiến Thái Lan trở thành một lựa chọn thay thế ngày càng hấp dẫn".
Bà Annabelle Hsu, nhà phân tích công nghệ chuyên về chuỗi cung ứng, cũng nhận thấy động thái tương tự.
"Nhìn chung, Trung Quốc vẫn có chuỗi cung ứng hoàn chỉnh nhất thế giới cho máy tính xách tay và điện thoại thông minh. Việc đa dạng hóa nhà cung cấp là xu hướng ngày càng tăng trên toàn cầu, tuy nhiên dịch chuyển chuỗi cung ứng là một quá trình phức tạp cần nhiều thời gian", bà Hsu nói.
Đăng thảo luận