Nhiều cha mẹ bắt con phải học bài, không dùng smartphone, nhưng bản thân họ lại ngồi xem TV, lướt Facebook, TikTok, YouTube...

Tôi đang nuôi dạy hai con gái, đến nay con lớn đã 18 tuổi, con gái nhỏ 9 tuổi và kinh nghiệm của tôi là luôn rèn con nếp sống, thói quen tích cực từ nhỏ. Ví dụ, tôi muốn các con ăn, ngủ, học đúng giờ thì sáng nào tôi cũng gọi con dậy từ 5h30 để con chuẩn bị. Sau đó, tôi đi mua đồ ăn sáng về cho cả nhà. Cả gia đình sẽ ăn sáng tại nhà từ 6h15 đến 6h30. Trước 7h, chúng tôi đã ra khỏi nhà, mẹ chở con đến trường, sau đó đi đến cơ quan.

Buổi chiều sau khi tan làm, tôi đến trường đón con rồi về nhà nấu cơm. Trong lúc mẹ nấu cơm, các con sẽ tắm giặt. Khoảng 18h30 cả nhà tôi sẽ ăn cơm. Đúng 19h là các con ngồi vào bàn học bài. Con bé học tiểu học thì đi ngủ trước 21h30, con lớn học cấp ba thì 11h đi ngủ.

Để các con tập trung học, tôi đã bỏ luôn thói quen xem TV hơn chục năm nay. Nếu như các cha mẹ khác thường xem TV buổi tối trong lúc các con học bài thì tôi ngồi đọc sách, viết báo, soạn giáo án, dạy học online ở phòng riêng. Các con học xong sẽ xuống phòng mẹ cùng đọc sách, trao đổi với nhau khoảng 30 phút rồi đi ngủ.

Tôi muốn con chăm đọc sách nên ngày nào cũng phải làm gương để con học theo. Tôi muốn con chăm học nên cũng luôn chăm chỉ học hành, nâng cao trình độ chuyên môn để các con hiểu rằng học là việc cả đời không ngừng nghỉ. Mẹ khi gần 40 tuổi vẫn còn phải đi học, huống chi là con.

Tôi muốn con đi ngủ đúng giờ thì đến giờ con ngủ tôi cũng phải tắt điện đi ngủ. Nếu còn việc chưa làm xong thì tôi cứ để đấy và tắt điện, chờ con ngủ xong mới lại dậy làm việc tiếp. Tôi phải hy sinh sở thích, thú vui của mình để rèn con, làm gương cho con học theo. Nhờ đó, tôi không cần nói nhiều mà các con vẫn tự giác làm theo và có thói quen giống mẹ. Từ bé đến lớn, tôi hầu như không phải mắng con như người khác. Nhà lúc nào cũng yên tĩnh vì không quát con bao giờ.

>> Những đứa trẻ 'con vua' trong quán cà phê

Không phải tự nhiên mà có được những đứa con ngoan và học giỏi. Để có được điều đó, cha mẹ và các con đều phải cố gắng nỗ lực rất nhiều. Nhiều người tốn thời gian, công sức, tiền của đầu tư cho con ăn học nhưng cuối cùng vẫn là kẻ trắng tay vì con hư hỏng, sa ngã. Không phải cứ đầu tư hết tất cả những gì mình có cho con thì chúng sẽ ngoan, giỏi như mình muốn.

Điều quan trọng nhất là bản thân con có cố gắng hay không? Khi con lười không chịu học, không chịu đọc sách, không chịu tiếp thu lời dạy bảo của cha mẹ, thầy cô giáo thì cha mẹ có giàu đến đâu, có cho con học trường tốt thế nào thì cũng là vô nghĩa. Vì thế, các bậc phụ huynh cần có phương pháp rèn con đúng đắn để gặt hái được trái ngọt.

Nhà xã hội học nổi tiếng người Mỹ, Giáo sư Web Du Bois, từng nói: "Trẻ học từ những gì bạn làm hơn là những gì bạn dạy". Trẻ con có xu hướng học theo bản năng và bắt chước người lớn, song, nhiều cha mẹ chỉ nghĩ cách ép con làm theo mong muốn của mình, cõng cả ước mơ của mình. Và khi không theo ý mình, cha mẹ lại cho mình quyền được đánh, được mắng. Trong khi rất ít người nghĩ đến chuyện làm gương cho con.

Trên thực tế, nhiều cha mẹ không làm chủ được cảm xúc với con, cư xử không đúng mực với người xung quanh, nhưng yêu cầu con phải chào hỏi lễ phép với người khác. Một số cha mẹ mong con không nghiện điện thoại, TV, chơi điện tử nhưng lúc nào cũng dán mặt vào màn hình điện thoại, vừa ăn vừa lướt Facebook, xem livestream hay chơi game.

Nhiều cha mẹ tỏ ra tức giận hoặc vội vàng đánh giá con cái "hư hỏng" khi trẻ có những biểu hiện cảm xúc tiêu cực như: không chào người lớn, đánh nhau, cãi người lớn, chơi game... Tuy nhiên, những hành vi này của trẻ có thể xuất phát từ việc sao chép cách ứng xử của cha mẹ. Họ quên mất, cha mẹ là tấm gương để con nhìn vào và noi theo.

Mọi lời yêu cầu, ra lệnh sẽ chỉ khiến con làm theo trong ấm ức. Các con làm theo lệnh của cha mẹ vì sợ bị mắng, bị đánh chứ không phải vì thấy đó là việc nên làm. Và con sẽ quên ngay khi không có người lớn bên cạnh. Do đó, muốn con lớn lên thật sự trở thành người tử tế, ngoan ngoãn, học giỏi, không có thói hư tật xấu thì mỗi việc làm, hành động của cha mẹ cũng phải thật sự tử tế, gương mẫu.

Nếu cha mẹ gặp ai cũng vui vẻ chào hỏi thì dù không ra lệnh, tôi tin các con của họ cũng sẽ chủ động chào hỏi người khác. Lúc cả gia đình quây quần bên mâm cơm, thay vì chăm chăm vào chiếc điện thoại, cha mẹ nói chuyện vui vẻ, hỏi các con về một ngày học tập ở trường thế nào, con có niềm vui hay nỗi buồn gì thì chắc hẳn con trẻ sẽ vui lắm. Con sẽ yêu những bữa cơm gia đình. Và lúc này, chiếc điện thoại sẽ không có cơ hội góp mặt trong bàn ăn.

Nếu cha mẹ không có thói quen chơi game, không sa đà vào việc xem TV, lướt Facebook, xem TikTok, YouTube thì con họ cũng sẽ ít có thói quen này. Nếu cha mẹ luôn trung thực, không lừa dối người khác, không bao giờ nghĩ cách hại ai thì con họ sẽ khó trở thành những đứa trẻ lưu manh, lừa lọc. Nếu cha mẹ luôn tích cực giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn xung quanh mình thì con họ đa phần sẽ là những đứa trẻ tốt bụng, có tấm lòng thương yêu, chia sẻ với mọi người.

Đó là cách cha mẹ rèn thói quen tốt cho con thay vì ra lệnh. Không gì thuyết phục bằng những hành động, việc làm của chính chúng ta. Chỉ khi ta làm gương cho con, ta mới mong con làm đúng, sống đẹp.

Muốn giáo dục con ngoan, hình thành và phát triển nhân cách tốt đẹp của con, để con trở thành một người tử tế, lương thiện, các bậc cha mẹ nhất thiết phải gương mẫu hoàn thành các vai trò của mình đối với gia đình và xã hội để con bắt chước và làm theo. Sự gương mẫu của cha mẹ và người lớn trong gia đình thể hiện từ trong lời nói, cử chỉ, hành động, cách ứng xử với mọi người trong và ngoài gia đình.

Sự gương mẫu của cha mẹ trong nếp sống hàng ngày tác động đến nhận thức, tình cảm, niềm tin và hành động của con. Gương mẫu tạo ra uy tín của cha mẹ và lòng tôn kính cha mẹ ở con. Để giáo dục gia đình có kết quả, các bậc cha mẹ cần chú ý đến việc rèn luyện, tu dưỡng bản thân. Luôn mẫu mực, luôn nêu tấm gương sáng cho con bắt chước, khi có uy tín với con, được con tin tưởng thì những lời khuyên bảo của cha mẹ sẽ có hiệu quả hơn nhiều.

Vũ Thị Minh Huyền