Đồng Nai đang thay đổi cấu trúc để phát triển xứng tầm là hạ tầng giao thông kết nối, công nghiệp và đô thị; nếu làm được điều này, cộng hưởng cùng sức bật do đầu tư công mang lại, điều này sẽ tạo đà cho cả một khu vực sân bay phát triển đúng mức, đưa Đồng Nai thành một trung tâm trung chuyển có sức cạnh tranh mang tầm quốc tế.
Hoàn chỉnh hệ thống giao thông
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai, là cửa ngõ kết nối vùng Đông Nam Bộ với nhiều vùng kinh tế khác của cả nước, Đồng Nai cũng là 1 trong 4 địa phương nằm trong vùng tứ giác phát triển kinh tế gồm Thành phố Hồ Chí Minh-Bình Dương-Đồng Nai-Bà Rịa Vũng Tàu có sức hút lớn của cả nước.
Trong quá trình phát triển kinh tế, các thách thức mà Đồng Nai đang đối mặt đó là các công trình hạ tầng giao thông chưa được đầu tư đồng bộ, tương xứng với sự phát triển của tỉnh. Sân bay Long Thành khi đi vào hoạt động sẽ tạo áp lực lớn lên hệ thống giao thông của tỉnh, nếu hệ thống giao thông không được đầu tư nâng cấp, mở rộng kịp thời sẽ ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế-xã hội.
Đồng Nai là một trong 6 tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về phát triển kinh tế trong nhiều năm qua, có quy mô kinh tế lớn thứ tư cả nước và là một trong 5 tỉnh có đóng góp ngân sách lớn nhất cả nước, tỉnh luôn phấn đấu đạt mức tăng trưởng GRDP cao hơn bình quân chung của cả nước, đóng vai trò quan trọng trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
“Suốt 2 thập niên qua, tỉnh Đồng Nai có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, bình quân giai đoạn 2001-2005 là 12,86%, giai đoạn 2005-2010 là 13,55%, giai đoạn 2011-2015 là 8%, giai đoạn 2015-2020 là 7,08% và giai đoạn 2021-2025 dự kiến tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 6%,” Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Hữu Nguyên phân tích.
Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, sau thời gian dài tăng trưởng mức cao, Đồng Nai có dấu hiệu chững lại bởi điểm nghẽn về hạ tầng giao thông trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và trên địa bàn của tỉnh.
Điển hình thấy rõ nhất là các tuyến cao tốc, vành đai kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chưa được đầu tư kịp với kỳ vọng phát triển kinh tế. Các dự án đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị nguồn vốn đầu tư lớn, công nghệ, kỹ thuật phức tạp dẫn đến việc đầu tư gặp nhiều khó khăn.
Thi công đường cất hạ cánh sân bay Long Thành. (Ảnh: Công Phong/TTXVN)
Đăng thảo luận