Nhiều trường hợp phồng, rộp da, xuất hiện mụn nước... do kiến ba khoang nhưng chẩn đoán nhầm dẫn đến tổn thương lan rộng
Dịch độc của kiến ba khoang, nếu tiếp xúc với da, có thể gây ra các phản ứng viêm da đau đớn, lở loét, thậm chí ảnh hưởng đến mắt và gây tổn thương nghiêm trọng.
Dễ chẩn đoán sai
Sau khi ngủ trưa dậy, ông T.D (40 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) phát hiện gần mắt con trai 6 tuổi bị sưng, ngứa. Lo lắng, ông đưa con đến Bệnh viện Mắt TP HCM thăm khám. Tại đây, bác sĩ thăm khám và dựa vào tiền sử do trước đó bé có ăn thịt bò nên chẩn đoán ban đầu bé bị dị ứng, nghi ngờ do thịt bò.
"Bác sĩ cho toa thuốc uống và nhỏ. Tuy nhiên, sau 2 ngày, tình trạng mắt con tôi ngày càng sưng to, đỏ, ngứa, rát. Tôi tiếp tục đưa con đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM) khám. Bác sĩ tại đây chẩn đoán bé bị viêm da gần vùng mắt do kiến ba khoang" - ông D. kể.
Bệnh nhân khám tại Bệnh viện Da liễu TP HCM vì tiếp xúc với kiến ba khoang
Theo ông D., sau 1 tuần, con ông uống thuốc theo đơn, cùng thuốc nhỏ mắt, thuốc bôi thì tình trạng mới tạm ổn. Tuy nhiên, vùng da tiếp xúc dịch tiết vẫn còn dấu vết.
Tương tự, bà P.N.L (45 tuổi, ngụ TP HCM) đưa con trai 12 tuổi đến Bệnh viện Da liễu TP HCM khám trong tình trạng 2 lỗ tai nổi mụn nước, mắt sưng kèm nổi mụn mủ, mặt đỏ. Chị L. cho biết mấy ngày nay, trời mưa vào buổi chiều, thỉnh thoảng có kiến bay vào nhà. Bé tưởng kiến bình thường nên bắt diệt. Sau đó, trải chiếu ra sàn ngủ. "Tối ngủ, bé có lấy bông gòn nhét tai vì sợ kiến chui vào. Tuy nhiên, sáng hôm sau, bé bị ngứa; tai, mắt sưng. Nghĩ con bị dị ứng nên tôi đến tiệm mua thuốc uống nhưng sau 1 ngày, tình trạng không cải thiện. Đưa con đến Bệnh viện Da liễu khám thì được bác sĩ chẩn đoán do kiến ba khoang" - chị L. nói.
ThS-BS Phạm Thị Uyển Nhi, Phó trưởng Phòng Điều hành Phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Da liễu TP HCM, cho biết kiến ba khoang thường bị thu hút bởi ánh sáng đèn, xâm nhập nhà, sau đó bám vào quần áo, giường chiếu, chăn màn. Trong quá trình sinh hoạt, người dân vô tình tiếp xúc, chất độc trong cơ thể kiến ba khoang nhả ra gây viêm, loét da.
"Kiến ba khoang không cắn hoặc đốt người. Tuy nhiên, bên trong cơ thể kiến có chứa chất pederin, một loại chất độc gây rộp, phỏng da. Chất này tồn tại trong cơ thể kiến và chỉ giải phóng ra môi trường khi cơ thể chúng bị nghiền nát. Chất pederin dính vào vùng da thì các khu vực tiếp xúc sẽ bị phồng rộp, bỏng, đau rát, thậm chí viêm da, nếu không chăm sóc tốt vết thương thì có thể gây nhiễm trùng" - BS Nhi nói.
Vệ sinh đúng cách
BS Huỳnh Thị Bích Liễu - Phó trưởng Khoa Mắt, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức, TP HCM) - cho biết khi tiếp xúc với dịch tiết của kiến ba khoang, cơ thể sẽ xuất hiện một số dấu hiệu như: ngứa, nóng rát vùng tiếp xúc; vết thương ban đầu nổi mảng màu đỏ, sau đó sưng, mụn nước, phồng rộp tạo thành nốt mủ. Do vậy, nếu không vệ sinh đúng cách, giữ gìn cẩn thận sẽ khiến mụn mủ chảy nước, lở loét, việc điều trị sẽ khó khăn hơn. Đáng lưu ý, nếu không may khu vực mắt dính dịch tiết kiến ba khoang có thể gây viêm kết mạc, sưng nề quanh mi mắt, viêm giác mạc, trầy biểu mô giác mạc.
Các bác sĩ lưu ý trong trường hợp nếu phát hiện vừa tiếp xúc với dịch tiết của kiến ba khoang cần nhanh chóng rửa chỗ tiếp xúc dưới vòi nước. Khi vùng da đó bắt đầu thấy đau, rát thì dùng các dung dịch dịu da, sát khuẩn nhẹ như Jarish, ôxit kẽm, mỡ kháng sinh rồi đến các cơ sở y tế để được chỉ định điều trị thêm.
BS Nhi lưu ý nhìn sơ, hình dạng vết thương rất giống với vết phồng rộp do bệnh Zona (giời leo). "Chẩn đoán sai bệnh có thể khiến bệnh nặng thêm. Vì vậy, khi thấy cơ thể xuất hiện các vết phồng rộp trên da cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán và có giải pháp xử trí thích hợp" - BS Nhi lưu ý.
Coi chừng biến chứng
Các bác sĩ lưu ý bị kiến ba khoang cắn, nếu người bệnh không được chăm sóc đúng cách, ví dụ như đắp lá, đắp thuốc, những loại chất không rõ trên bề mặt da… sẽ khiến tình trạng bệnh nặng hơn, dẫn đến nhiễm trùng, vết thương lan rộng hơn… Những biến chứng có thể xảy ra làm tăng sắc tố da sau viêm, vùng da sau khi bị bệnh sậm màu hoặc giảm sắc tố sau viêm, có nghĩa là vùng da bị mất sắc tố sau khi bị tổn thương sâu. Một số trường hợp gây ra sẹo: sẹo lõm, sẹo lồi...
Đăng thảo luận