Khởi sự
Đến buôn Tơng Jũ (xã Ea Kao, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) - nơi vừa được công nhận buôn du lịch cộng đồng, chúng tôi chọn con đường vòng qua hồ Ea Kao. Quanh hồ, từng quả đồi nhấp nhô tạo một mảng xanh trù phú, nương rẫy cà phê bạt ngàn, cánh đồng lúa xanh mát cùng buôn làng người Êđê yên bình.
Chiều buông, ánh hoàng hôn bao trùm trên những mái nhà sàn. Buôn Tơng Jũ vẫn giữ nét hoang sơ vốn có, tách biệt khỏi những ồn ào, náo nhiệt của thành phố. Chúng tôi dạo bước khắp ngõ trong buôn để hiểu hơn về văn hóa, cuộc sống của cư dân nơi đây. Những công đoạn, kỹ thuật làm nên tấm thổ cẩm, những phong tục tập quán tốt đẹp và mối quan hệ bền vững trong gia đình mẫu hệ. Cùng ngắm nhìn những nếp nhà, thả hồn theo từng nhịp chiêng say đắm, thưởng thức món ăn mang đậm hương vị truyền thống. Ở nơi này, người ta làm du lịch không chỉ để kinh doanh, đó là sự kết nối. Tất cả họ đều có chung tấm lòng gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa.
Tiếng lách cách khung cửi trong ngôi nhà sàn dài ở buôn Tơng Jũ vang lên. Bà H’Yam Bkrông, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) dệt thổ cẩm Tơng Bông thổ lộ: “Vui lắm, buôn Tơng Jũ chính thức trở thành điểm đến du lịch cộng đồng. Đây là cơ hội để người dân trong buôn có điều kiện giới thiệu, quảng bá nền văn hóa của dân tộc mình đến du khách trong và ngoài nước”.
Người phụ nữ Êđê này hơn 20 năm qua mang nghĩa tình của mình dành cho bà con nơi đây. Bây giờ HTX dệt thổ cẩm Tơng Bông trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống. Ngồi cạnh những phụ nữ đang say sưa bên khung cửi, bà cùng dệt nên sắc màu thổ cẩm để phục vụ du khách trong chính homestay bà dày công xây dựng.
Hướng mắt về những ngọn đồi trong chiều muộn, bà tâm sự, trước đây, chẳng ai nghĩ mình có thể làm du lịch ở nơi buôn làng này. Bà con chủ yếu canh tác nông nghiệp với cây lúa, cà phê. Ngày ngày đầu tắt mặt tối bám trụ trên đồng ruộng, nương rẫy của gia đình, đến mùa trái cây lên rừng hái quả về bán. Đời sống còn nhiều khó khăn, điều kiện kinh tế, xã hội còn nhiều rào cản. Chính những câu chuyện góp nhặt của quá trình sinh hoạt đã trở thành những đề tài thú vị cho khách phương xa. Và 18 hộ dân buôn Tơng Jũ cùng nhau khởi sự mô hình làm du lịch cộng đồng. Những sản phẩm nông nghiệp do người dân làm ra, khách đều hỏi mua. Người dân ngoài việc lo chuyện nương rẫy, về nhà lại biết trồng thêm rau, nuôi thêm gia súc, gia cầm. Tất cả thứ họ bán đều là cây nhà lá vườn, mang đến thu nhập hơn hẳn một ngày đi làm rẫy, làm thuê.
Bà H’Yam (bìa phải) giới thiệu sản phẩm thổ cẩm.
Bên hồ Ea Kao bây giờ đã có một buôn du lịch như thế. Những phụ nữ trong buôn giữ nghề dệt thổ cẩm, thiết kế những bộ trang phục để khách đến thích thì mặc chụp hình hay mua về làm quà. Cũng có khi họ gom những rau, trái đặc trưng của buôn mang đến bày biện giới thiệu với du khách. Rất nhiều phụ nữ biết nấu các món đặc sản truyền thống để quảng bá nét đẹp ẩm thực vốn có của buôn.
Đội chiêng, đội văn nghệ phục vụ hoạt động du lịch
Du khách tìm đến ngày một đông, họ say với những câu chuyện văn hóa thấm đẫm bao đời nay và mê dụ bởi ẩm thực. Họ được trải nghiệm nấu các món ăn truyền thống như gà nướng, cơm lam, cà đắng, cùng các nghệ nhân dệt thổ cẩm...
Làn gió mới
Buôn Tơng Jũ ôm ấp, sở hữu nhiều nét đẹp bình dị cùng bản sắc văn hóa độc đáo. Trải dài suốt đoạn đường ở buôn là hàng chục bức hoạ thể hiện rõ nét về đời sống, văn hóa các dân tộc Êđê, Mnông và những cảnh quan đặc trưng của tỉnh Đắk Lắk.
Buôn Tơng Jũ nằm giữa dòng suối Kao và Ea Tơng. Toàn buôn hiện có 467 hộ dân, trong đó chủ yếu dân tộc Êđê. Ban đầu mới bắt tay vào làm du lịch, người dân bỡ ngỡ, gặp không ít khó khăn. Nhờ tham gia các lớp tập huấn về du lịch cộng đồng, những đôi bàn tay vốn chỉ quen cầm cuốc, cầm dao phát rẫy, bây giờ đã biết kinh doanh công nghiệp xanh.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thụy Phương Hiếu chia sẻ, buôn Tơng Jũ là 1 trong 16 buôn được tỉnh quy hoạch phát triển du lịch cộng đồng. Đến nay, tỉnh đã có 7 buôn du lịch cộng đồng hình thành và đi vào hoạt động. Trong đó, buôn Tơng Jũ và buôn Jun (thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk) được hỗ trợ theo chương trình Mục tiêu quốc gia 1719.
Theo ông Y Bhiu Byă, buôn được hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hóa như nhạc cụ biểu diễn, hỗ trợ mua sắm máy tính, bàn ghế đặt máy tính và trang thông tin điện tử du lịch. Bà con không ngừng nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch như dệt thổ cẩm, làm rượu cần, nghệ thuật tạc tượng, ẩm thực... Ngoài ra, buôn còn thành lập đội văn nghệ phục vụ văn hóa cồng chiêng trong các dịp lễ, Tết và cuối tuần, tạo thêm sức hấp dẫn cho du khách. Hiện buôn đã có thêm 4 ngôi nhà dài để đón và phục vụ khách.
Tiếp mạch câu chuyện, bà H’Yam chia sẻ, năm 2011, thời điểm cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về thăm, làm việc và kiểm tra thực tế tại buôn, lúc đó bà là Chủ nhiệm HTX Dệt thổ cẩm Tơng Bông. Bà được giao trọng trách dệt chiếc áo thổ cẩm truyền thống để tặng bác Trọng. “Tôi chọn mẫu áo già làng truyền thống của người Êđê và tự tay làm tất cả các khâu để có được một chiếc áo ưng ý nhất dành tặng bác Trọng. Mẫu áo này khác áo thường ở chỗ ngực áo có màu đỏ, thể hiện bản lĩnh, cốt cách của người có vị trí quan trọng trong cộng đồng. Khi mặc áo bác khen rất đẹp khiến tôi vô cùng xúc động. Điều đó tiếp thêm động lực để tôi và hội viên HTX Thổ cẩm Tơng Bông phấn đấu, nỗ lực trong sản xuất, kinh doanh và quảng bá sản phẩm”, bà H’Yam bộc bạch.
Chuẩn bị các món ăn truyền thống của người Êđê giới thiệu tới du khách
Đến nay, HTX có 45 thành viên, tất cả đều là người Êđê trong xã. Tranh thủ thời gian rảnh, các xã viên dệt vải tại nhà, mức thu nhập trung bình khoảng 4 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, HTX còn tạo việc làm thời vụ cho khoảng 100 phụ nữ.
Ngày hội quảng bá và kết nối du lịch Tây Nguyên - Phú Yên 12/07/2023 Khách du lịch đến Tây Nguyên tăng đột biến dịp Tết 04/02/2022Văn hóa
Điều chưa biết về bảo vật quốc gia trong chùa Phổ Quang vừa bị cháy lớn
Văn hóa
Ca sĩ Anh Thơ vào vai bà đồng nát, diễn hài cùng Xuân Hinh, NSND Tự Long, Xuân Bắc trước 2.000 khán giả
Văn hóa
Hy vọng gì ở dàn chị đẹp mùa 2?
Văn hóa
Trăn trở của cháu gái nhà văn Kim Lân
Văn hóa
Đăng thảo luận