Bằng cách chấp nhận sự khác biệt, lắng nghe và giao tiếp cởi mở, khuyến khích sự độc lập và tự chịu trách nhiệm, khoảng cách thế hệ sẽ được thu hẹp

Khách từ Hà Nội vào thăm, thấy bé Xuân Thanh (quận 10, TP HCM) nằm dài trên sofa nên hỏi thăm việc bé làm bài thi tuyển sinh lớp 10 vừa qua.

Không hiểu nhau

Nghe bà nội trả lời: "Cháu làm bài cũng tàm tạm", Xuân Thanh ngồi dậy bỏ vào phòng. Khách vừa về, con bé liền chạy ra nói với bà nội: "Bà nội chưa hỏi ý con mà sao nói chuyện học của con với người khác? Đâu liên quan đến họ, bà nội nói làm gì? Con không thích, mai mốt con không về nhà nội đâu".

Trước thái độ của cháu gái, bà nội của Xuân Thanh thở dài: "Con như vậy là không được, khách hỏi thăm, lẽ nào không nói? Mà bà nội có nói gì sai đâu?". Câu chuyện chỉ vậy nhưng cả bà và cháu đều không vui suốt mấy ngày.

13 tuổi, bé Kim Anh (TP Thủ Đức, TP HCM) đã cao 1,6 m, đôi chân thẳng tắp, trắng trẻo. Nhìn các bạn đồng lứa được mặc váy ngắn, quần short, Kim Anh thầm ao ước một lần được diện. 

Đợt đi chơi với lớp cuối năm, Kim Anh đặt mua chiếc quần short trên mạng, nhờ bạn nhận giúp và đem theo để thay. 

Bạn bè xuýt xoa, Kim Anh tâm sự: "Ba tui cấm không cho mặc váy ngắn, quần short, áo sát nách, hở vai. Ba nói con gái phải ăn mặc kín đáo, ba mà thấy mấy đồ đó là ba bỏ thùng rác". 

Bạn học của Kim Anh lắc đầu, lè lưỡi: "Gì kỳ vậy? Mặc vậy đẹp mà, đâu có sao?". Chỉ Kim Anh mới "thấm" là "có sao" vì chính chị gái của Kim Anh đã bị ba vứt bỏ chiếc váy yêu thích, còn mẹ cũng bị rầy la theo.

 Thu hẹp khoảng cách thế hệ 第1张

Minh họa AI: VY THƯ

Bị quản chặt việc dùng điện thoại lên mạng, giao lưu với bạn bè, Minh Hùng (15 tuổi; quận 7, TP HCM) than: "Mẹ kiểm tra tất cả tin nhắn của con, bạn nào lỡ nói giỡn mà mẹ thấy không đàng hoàng là yêu cầu con hủy kết bạn. Riết rồi mấy bạn ngại nói chuyện với con. Tụi con lên mạng còn để trao đổi bài vở nữa. Con cũng đâu có vô mấy trang web bậy bạ đâu". 

Trong khi đó, chị Minh Trang (mẹ của Hùng) cho rằng tuổi con còn nhỏ, chưa phân biệt đúng - sai, đôi khi vì tò mò mà vô mấy trang web "người lớn". Chưa kể suốt ngày ôm điện thoại sống "ảo" thì sợi dây liên kết gia đình cũng mất.

Làm bạn với con

Cuối tuần rồi, bạn của con gái đến nhà chơi. Chị Mai Lan (42 tuổi; quận 4, TP HCM) bàn với con cùng nhau làm bánh nướng, đổ rau câu. Mỗi lần làm ra một mẻ bánh, mấy bạn nhỏ thích thú vừa nếm thử vừa chỉ bảo cho những bạn còn chưa làm được. Cả căn bếp tràn ngập tiếng cười của các cô cậu 12-13 tuổi. Ra về, cả nhóm còn hẹn "lần sau lại nhà cô Lan chơi nữa".

  • Cha mẹ làm gì khi con yêu sớm?

  • Những ứng dụng giúp cha mẹ kiểm soát con xem điện thoại, TV trong kỳ nghỉ hè

"Làm bạn với con và làm bạn với cả bạn của con sẽ giúp chúng ta hiểu con. Như hôm nay, không chỉ dạy các con những kỹ năng nấu ăn cơ bản mà tôi còn nghe được những câu chuyện từ trường học, bạn bè và cuộc sống của con. Qua đó, không chỉ hiểu con hơn mà còn giúp con cảm nhận được sự quan tâm và yêu thương từ cha mẹ" - chị Mai Lan chia sẻ. 

Mỗi lần con học nhóm hay lớp tổ chức đi chơi, chị đều cố gắng sắp xếp tham gia cùng con, lắng nghe mọi câu chuyện "vớ va vớ vẩn" của con và các bạn, để cùng cười vui, cùng thấu hiểu và đôi khi uốn nắn nhẹ nhàng những lời nói, hành vi còn chưa "chuẩn" của các con. Ngược lại, các con cũng "dạy" chị những điều mới mẻ từ công nghệ.

Cũng theo chị Mai Lan, thế hệ trẻ ngày nay lớn lên trong môi trường công nghệ cao, tiếp xúc với internet, mạng xã hội và các thiết bị thông minh từ rất sớm. Điều này ảnh hưởng đến cách suy nghĩ, hành xử và giao tiếp của con. 

Cha mẹ và con cái cần cùng nhau tạo ra một không gian để trò chuyện, chia sẻ, qua đó có thể hiểu rõ hơn về quan điểm và cảm xúc của nhau, từ đó xây dựng được sự thấu hiểu và tôn trọng lẫn nhau.

Cho rằng lắng nghe và giao tiếp cởi mở là yếu tố then chốt để giải quyết mọi xung đột và hiểu lầm, anh Anh Tú (50 tuổi; quận 5, TP HCM) nêu kinh nghiệm "làm bạn với con" của bản thân. 

Theo anh Anh Tú, cha mẹ nên tạo ra một môi trường an toàn và không phán xét để con có thể thoải mái chia sẻ suy nghĩ, cảm xúc của mình. Đồng thời, cha mẹ cũng nên cho con hiểu rằng con cũng cần lắng nghe và tôn trọng quan điểm của cha mẹ.

"Thế hệ trẻ ngày nay có xu hướng muốn được độc lập và tự do khám phá. Cha mẹ nên khuyến khích con phát triển sự độc lập và tự chịu trách nhiệm trong các quyết định của mình. 

Tuy nhiên, sự giám sát và hướng dẫn từ cha mẹ vẫn rất cần thiết để bảo đảm con cái đi đúng hướng và không bị lạc lối. Ví dụ, trong vấn đề nghề nghiệp, thế hệ trẻ có thể muốn theo đuổi những nghề nghiệp mới như làm YouTuber hay các nghề liên quan đến công nghệ số. Cha mẹ đừng bác bỏ mà cần tìm hiểu để đưa ra những phân tích phù hợp với sở trường, năng lực của con để con có sự lựa chọn đúng đắn" - anh Anh Tú nói. 

Đặt mình vào vị trí của nhau

Một yếu tố quan trọng khác để thu hẹp khoảng cách thế hệ là khả năng đặt mình vào vị trí của người khác. Cha mẹ cần hiểu rằng thế hệ trẻ đang đối mặt với những thách thức và cơ hội rất khác so với thời của họ. Ngược lại, con cái cũng cần hiểu cha mẹ có những kinh nghiệm sống, giá trị đạo đức và truyền thống gia đình mà con cần học hỏi.