Không chỉ gia công cắt gọt
Cuối năm 2023, Công ty TNHH Cơ khí Duy Khanh (Khu Công nghệ cao TPHCM) đã đưa vào hoạt động nhà máy cơ khí chính xác. Đây là nhà máy có tổng vốn đầu tư khoảng 183 tỷ đồng, năng lực sản xuất khoảng 560 tấn sản phẩm/năm.
Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Cơ khí - Điện TPHCM nói rằng, đây là nhà máy đầu tiên của Việt Nam ứng dụng công nghệ sintering để sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, chi tiết máy chính xác. Công nghệ này có tính thân thiện với môi trường, tỷ lệ sử dụng nguyên vật liệu rất cao (khoảng 95%) so với phương pháp gia công cắt gọt kim loại truyền thống (khoảng 45%).
Sản phẩm của nhà máy phục vụ cho nhiều ngành sản xuất công nghiệp, là linh kiện của các hệ thống điều khiển, hệ truyền động của các loại dụng cụ cầm tay, thiết bị điện, linh kiện trong xe máy, ô-tô… Hiện, các doanh nghiệp FDI (có vốn đầu tư nước ngoài), doanh nghiệp trong nước đang sử dụng các linh kiện này đều phải nhập khẩu từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…
“Nhà máy đi vào hoạt động sẽ góp phần tích cực vào sự phát triển lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao của thành phố nói riêng và cả nước nói chung, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đáp ứng tốt nhu cầu sản phẩm công nghiệp hỗ trợ phục vụ sự chuyển dịch đầu tư của các doanh nghiệp FDI lớn vào Việt Nam”, ông Tống cho biết.
Công nhân kỹ thuật vận hành thiết bị trong nhà máy chính xác Duy Khanh. Ảnh: Uyên Phương
UBND TPHCM cho biết, cơ khí là một trong 4 ngành công nghiệp trọng yếu được thành phố khuyến khích phát triển. Hiện, Sở Công thương TPHCM đang phối hợp với Trường Đại học Bách khoa tổ chức xây dựng chiến lược phát triển ngành cơ khí – tự động hóa trên địa bàn thành phố.
Theo PGS.TS Trần Anh Sơn, Trường Đại học Bách khoa TPHCM, các ngành công nghiệp chiếm khoảng 20% GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) của thành phố và tạo ra nhiều sản phẩm có tính cạnh tranh ở thị trường trong nước cũng như xuất khẩu. Trong đó, ngành cơ khí - tự động hóa là ngành công nghiệp nền tảng, chủ chốt và có thể tham gia không giới hạn với phần lớn các ngành công nghiệp. Hiện nay, ngành cơ khí - tự động hóa đang cần giải quyết nhiều vấn đề đặt ra về sản phẩm chiến lược là gì, trình độ sản xuất công nghiệp, trình độ công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng, quỹ đất…
Số liệu từ Cục Công nghiệp Bộ Công Thương cho biết, hiện cơ khí Việt Nam có thế mạnh tập trung ở ba phân ngành chính, gồm xe máy và phụ tùng linh kiện xe máy; cơ khí gia dụng và dụng cụ; ô tô và phụ tùng ô tô. Ba phân ngành này chiếm gần tổng số 70% giá trị sản xuất công nghiệp của cơ khí cả nước. Cơ khí chế tạo trong nước cũng đã sản xuất, lắp ráp được hầu hết các chủng loại xe ôtô con, xe tải, xe khách; sản xuất xe máy đã có tỷ lệ nội địa hóa 85 - 95%, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Tuy nhiên, các chuyên gia trong lĩnh vực này cũng nhìn nhận thực tế, ngành cơ khí trong nước vẫn còn nhiều hạn chế. Trong tương lai, ngành cơ khí đòi hỏi sự phát triển về nguyên vật liệu, khuôn mẫu, gia công chế tạo chứ không chỉ gia công cắt gọt đơn thuần.
Giải bài toán đầu tư chiến lược
UBND TPHCM vừa ban hành quyết định phê duyệt “Chiến lược phát triển ngành cơ khí - tự động hóa TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Theo đó, đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng của ngành được duy trì ở mức 8 - 10%/năm; tỷ lệ nội địa hóa của ngành tăng từ 3 - 5%/năm. Đến năm 2050, tỷ trọng giá trị công nghiệp công nghệ cao trong ngành đạt tối thiểu 60%. Tỷ trọng giá trị gia tăng ngành cơ khí – tự động hóa trong toàn ngành công nghiệp đạt khoảng 16 - 20%; phấn đấu tỷ lệ nội địa hóa của ngành đạt từ 80% trở lên.
Để thực hiện mục tiêu trên, TPHCM cho biết sẽ gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu, đào tạo nhân lực với hoạt động sản xuất, kinh doanh, đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp; tổ chức kết nối và tham gia hiệu quả các chương trình huấn luyện, hỗ trợ đào tạo từ các tổ chức trong và ngoài nước.
TPHCM cũng tạo điều kiện để các doanh nghiệp cơ khí - tự động hóa tham gia Chương trình hỗ trợ lãi suất thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư đổi mới máy móc thiết bị, nâng cao năng lực cạnh tranh. Thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư sản xuất những sản phẩm hoàn chỉnh, ứng dụng công nghệ cao. Triển khai các chính sách hỗ trợ tín dụng phù hợp cho các doanh nghiệp ngành cơ khí - tự động hóa, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo… Thành phố cũng có kế hoạch quy hoạch, phát triển quỹ đất đảm bảo cơ sở hạ tầng cho phát triển ngành cơ khí - tự động hóa trong giai đoạn mới.
Xem nhiềuKinh tế
Chủ tịch TPHCM kêu gọi người dân đóng góp làm dự án hàng trăm tỷ USD
Kinh tế
Giá xăng giảm mạnh từ 15h chiều nay
Kinh tế
Honda Việt Nam trao tặng hơn 1,7 triệu mũ bảo hiểm cho học sinh lớp một
Kinh tế
Giá vàng nhẫn tiếp tục tăng mạnh
Kinh tế
Đăng thảo luận