(NLĐO) - "Khai quật" dữ liệu từ tàu Magellan của NASA, các nhà khoa học đã tìm thấy thứ ngoài mong đợi trên bề mặt một hành tinh khác.

Trong hệ Mặt Trời, chỉ có 1 hành tinh và 1 mặt trăng được xác nhận vẫn còn hoạt động địa chất trong hiện tại, một yếu tố quan trọng góp phần ổn định bầu khí quyển, chu trình nước, sự cân bằng hóa học... để sự sống có thể tồn tại.

Đó là Trái Đất và mặt trăng Io của Sao Mộc. Nhưng Io lại hoạt động quá mức nên biến thành quả cầu núi lửa.

Giờ đây, nhóm nghiên cứu từ Đại học d'Annunzio, Đại học Rome (Ý) và NASA chỉ ra rằng Trái Đất có thể không cô đơn.

 NASA chụp được hành tinh đang "sống" tận 30 năm trước? 第1张

Hệ thống núi Sif Mons với khu vực núi lửa đang hoạt động được đánh dấu màu đỏ - Ảnh: ESA

Phân tích dữ liệu thu thập tận năm 1990 và 1992 từ tàu Magellan của NASA, các nhà khoa học Ý đã bất ngờ tìm ra bằng chứng về 2 khu vực có thể có núi lửa còn đang hoạt động trên Sao Kim.

Cũng như các hành tinh khác trong hệ Mặt Trời, Sao Kim từng có hoạt động địa chất.

Thế nhưng qua hàng tỉ năm, các quá trình tiến hóa hành tinh không may đã khiến các thế giới khác "chết dần", trở thành khối cầu trơ trụi, không còn hoạt động bên trong.

Nhưng có lẽ với Sao Kim, giới khoa học đã sai lầm. Tại sườn phía Tây của Sif Mons và Niobe Planitia, hai cấu trúc núi lửa lâu đời, các nhà khoa học nhận thấy có sự khác biệt theo thời gian.

Hình ảnh bề mặt các khu vực này vào thập niên 90 của thế kỷ trước và của năm 2023 có sự khác biệt lớn, chỉ có thể được giải thích bởi sự hiện diện của một dòng dung nham mới xuất hiện gần đây.

Họ cũng cho rằng hoạt động núi lửa trên sao Kim có thể so sánh với hoạt động của Trái đất, cho thấy Sao Kim có hoạt động núi lửa mạnh hơn người ta nghĩ trước đây.

Trước đó, các nghiên cứu khác cũng chỉ ra một số bằng chứng gợi ý về hoạt động kiến tạo mảng tồn tại. Bằng chứng mới này cho thấy Sao Kim không những không phải là quả cầu chết, mà còn hoạt động núi lửa mạnh mẽ.

Tuy ít vụ phun trào hơn, nhưng các vụ phun trào này không thua núi lửa ở Trát Đất.