Một chút ghen tuông làm tăng dư vị yêu thương nhưng khi vượt quá giới hạn thì có thể phá hủy mối quan hệ, gây tổn thương cho cả hai bên
Không biết bao lần, chị Nhật Trang (27 tuổi; ngụ quận 7, TP HCM) phải khốn khổ vì thói hờn ghen vô lối của chồng.
Kiểm soát mọi hoạt động
Chị Trang là thư ký văn phòng tại một doanh nghiệp ở quận 3, TP HCM; công việc thường đi sớm về muộn. Ngày mới cưới, anh Phong, chồng chị, tỏ ra thoải mái với giờ giấc thất thường của vợ nhưng chỉ ít lâu sau, anh bắt đầu ghen bóng ghen gió.
"Lúc yêu, anh ấy ghen với người thích tôi. Khi cưới rồi, gặp ai anh ấy cũng ghen, cấm tôi không được gặp gỡ bạn bè mà không có anh đi cùng" - chị Trang tâm sự.
Lần nào đồng nghiệp rủ đi ăn, chị Trang cũng đành tặc lưỡi từ chối vì chồng không đồng ý. Chưa kể, chị trang điểm đậm hơn một chút, mặc quần áo hơi "thoáng" là anh phản ứng ngay.
Đỉnh điểm là lần họ dự tiệc cưới của một người bạn. Tan tiệc, mặt anh tối sầm, phóng xe như bay. Đến nhà, anh đập mũ bảo hiểm xuống sàn nhà rồi trách: "Vì sao thằng đối diện lại nhìn em như muốn ăn tươi nuốt sống vậy?". Anh chì chiết chị ăn mặc không kín đáo, không giữ ý tứ, cố tình để người khác ngắm...
Chưa hết, anh gọi điện thoại video cho vợ bất cứ lúc nào để kiểm tra chị đang làm gì. Anh cũng thường xuyên mở điện thoại vợ đọc tin nhắn, kiểm soát mạng xã hội, tự ý xóa bạn bè của chị trên mạng nếu không thích...
"Tôi đã hạn chế tối đa các mối quan hệ để chồng không hiểu lầm nhưng không thể kiểm soát hết được vì đồng nghiệp nam trong công ty rất nhiều. Có lúc tôi rất mệt mỏi vì thấy cuộc sống ngột ngạt, mất tự do bởi sự kiểm soát gắt gao của anh ấy" - chị Trang thở dài.
Cưới nhau đã 5 năm, chị Thanh Thư (36 tuổi; ngụ quận 12, TP HCM) cũng khổ sở vì thói ghen tuông của chồng. Là công nhân chế biến thực phẩm, đồng nghiệp chủ yếu là nữ nhưng chị luôn bị chồng soi mói mối quan hệ.
Chị Thư cho biết có lần chị bị va quệt xe máy, điện thoại hư, một người đàn ông tốt bụng thấy vậy đẩy xe về giúp. Chồng chị chẳng bận tâm xem vợ có bị thương không mà chỉ đặt ra hàng loạt câu hỏi vô lý.
Minh họa: KHỀU
"Điện thoại mà có tin nhắn lạ là tôi phải giải thích với chồng. Hôm nào công ty tăng ca là anh đến tận nơi đón... Biết tính chồng như vậy nên tôi rất hạn chế tiếp xúc với nam giới nhưng vì sự ghen tuông cực kỳ vô lý của anh mà có lúc chúng tôi đã cãi nhau rất nhiều" - chị Thư rầu rĩ.
Từ ngày có con, vợ anh Ngọc Thành (ngụ TP Thủ Đức, TP HCM) cho rằng mình mập hơn, đầu tóc rối bù, còn anh thì đi làm lúc nào cũng chỉn chu nên chị lo ngại. Mỗi lần anh ra ngoài, chị lại hỏi đi đâu, gồm những ai, có phụ nữ không.
Việc chị cứ nhắc đi nhắc lại những câu hỏi đó khiến anh nhiều lúc thấy mệt mỏi, chán nản.Thành kể có lần công ty cần tiếp đối tác nước ngoài, anh thông báo với vợ về muộn, không ăn tối ở nhà. 21 giờ, vợ anh gọi, lúc này nhà hàng có sân khấu, loa để hát. Nghe tiếng nhạc, vợ anh liền lu loa: "Anh đi karaoke đấy à, chắc có cả mấy em rót bia...". Anh chưa kịp giải thích, chị đã giận dữ ngắt máy.
Xây dựng niềm tin
Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Phương Trang, Trung tâm Tham vấn Tâm lý The Sight, ghen tuông là bản chất của con người. Người trẻ đang yêu hay vợ chồng trung niên, thậm chí về già, cũng đều có thể ghen. Một người hay ghen là do họ bị mất niềm tin vào bản thân, vào bạn đời hoặc xuất phát từ những tổn thương tâm lý ở quá khứ, họ khó đặt niềm tin vào tình yêu.
Ghen tuông không xấu nhưng nếu cực đoan, vô cớ sẽ khiến người bị ghen lẫn người ghen đều mệt mỏi, đẩy mối quan hệ đến bờ vực tan rã. Chưa kể, ghen tuông quá đáng có thế làm tổn thương những người liên quan như cha mẹ, con cái.
Đăng thảo luận