Một hướng đi mới đang được du lịch nội địa đẩy mạnh nhằm tăng sức cạnh tranh là giảm lệ thuộc vào hàng không
Giá vé máy bay được dự báo khó hạ nhiệt trong bối cảnh ngành hàng không đang thiếu máy bay. Để ứng phó, các doanh nghiệp (DN) du lịch đang xoay trở, chuyển hướng sản phẩm, dịch vụ, liên kết các phương tiện vận chuyển từ ô tô, tàu lửa tới máy bay.
Xúc tiến "ngược" về TP HCM, Hà Nội
Ông Phạm Quý Huy, Giám đốc Công ty Kiwi Travel, cho biết ông vừa kiểm tra trên hệ thống giá vé máy bay chặng giữa TP HCM - Hà Nội đầu tháng 6-2024, giá vé vẫn rất cao, khoảng từ 5,5 triệu đồng/chặng khứ hồi. Với mức giá vé máy bay này, giá tour nội địa khó giảm để tính chuyện kích cầu nội địa trong dịp hè.
Các doanh nghiệp chuyển hướng phát triển các tour đường bộ, đường thủy trong bối cảnh giá vé máy bay tăng cao .Ảnh: LAM GIANG
Ngay ở thời điểm hiện tại là mùa thấp điểm của du lịch nội địa, giá vé máy bay cũng duy trì ở mức cao và khó có những đợt kích cầu giảm giá cho DN lữ hành và hành khách như trước đây. Do đó, các DN đang chuyển hướng. Thay vì trước đây đi xúc tiến du lịch, đẩy mạnh liên kết giữa TP HCM với các tỉnh, thành thì nay làm ngược lại, tìm mọi cách để kéo khách đến thành phố.
"Chúng tôi vừa tung ra sản phẩm kích cầu du lịch TP HCM bằng xe buýt 2 tầng hoặc buýt đường sông city tour (tham quan thành phố) tới những điểm đến đặc trưng với giá từ 299.000 đồng/khách, thay vì giá tour trọn gói thông thường đến 799.000 đồng/khách. Các chương trình city tour có thể kết hợp với du lịch y tế, du lịch ẩm thực hoặc sản phẩm tour 2 - 3 ngày khám phá Cần Giờ, Củ Chi, liên tuyến với Tây Ninh… Hướng cho khách tới TP HCM sẽ bay lệch đầu, giảm chi phí giá vé máy bay cao và thêm sự lựa chọn" - ông Phạm Quý Huy nói.
Bà Nguyễn Thị Khánh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP HCM, phân tích du lịch nội địa đang bị cạnh tranh từ giá cả, chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Để ứng phó với giá vé máy bay tăng, các DN đang xoay trở xây dựng tour tuyến mới theo hướng tăng tour đi bằng xe chất lượng cao ở những chặng ngắn; kết hợp đi máy bay và tàu hỏa, ô tô...
"Rất nhiều DN linh hoạt bằng cách đẩy mạnh tour chặng ngắn từ TP HCM tới các điểm đến trong khu vực Đông Nam Bộ như Tây Ninh hay các tỉnh ĐBSCL, tới Phan Thiết, Nha Trang, Phú Yên. Cùng với ô tô, tour cũng kết hợp đi tàu lửa, về máy bay hoặc ngược lại, vừa thêm sự lựa chọn vừa giảm chi phí tour cho khách. Hiệp hội đang phối hợp với các địa phương như Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai… xây dựng thêm nhiều tour đường bộ hấp dẫn để thu hút khách" - bà Khánh nói.
Thay đổi thói quen đặt tour "giờ chót"
Theo ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP HCM, ngành du lịch thành phố đã làm việc với các hãng hàng không, cơ quan quản lý về hàng không để nắm bắt thông tin, kịp thời đưa ra những giải pháp hỗ trợ các DN trong ngành. Việc giá vé máy bay tăng cao liên quan đến khó khăn của ngành hàng không do thiếu máy bay, do đó một số phương án có thể được triển khai là tăng tần suất bay, tăng chuyến bay đêm. Về DN du lịch thì khuyến khích đa dạng hóa phương tiện vận chuyển, không phụ thuộc hoàn toàn vào máy bay.
Ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc truyền thông và marketing Công ty TSTtourist, cho rằng việc phát triển và đa dạng loại hình vận chuyển tại Việt Nam là điều vô cùng cần thiết, bảo đảm các yếu tố kết nối thuận tiện, thông suốt, rút ngắn thời gian, gia tăng thời gian trải nghiệm của du khách. Đặc biệt trong bối cảnh hàng loạt tuyến cao tốc Bắc - Nam đã hoàn thiện, đưa vào khai thác, "vẽ lại bản đồ" du lịch nội địa.
Không chỉ chi phí tour trọn gói sẽ giảm, giải pháp này còn tạo sự hấp dẫn cho hành trình tham quan của du khách khi gắn kết giữa đường bộ, tàu hỏa - loại hình vận chuyển yêu thích của du khách để ngắm cảnh khi đi hành trình dài, qua nhiều vùng địa hình khác nhau gồm đồng bằng, cao nguyên, biển...
"Nếu giá vé máy bay tăng cao, ngoài năng lực tài chính, du khách sẽ phải tìm hình thức du lịch vừa túi tiền, trong đó tour đường bộ cự ly gần, tour bằng tàu hỏa là những lựa chọn khá thú vị vì giải quyết cùng lúc nhiều vấn đề, không chỉ vì giá hàng không cao mà cả xu hướng du lịch của khách" - ông Mẫn nói.
Về phía du khách, các công ty du lịch khuyến nghị nên thay đổi thói quen đặt tour "giờ chót" khi đi du lịch nội địa bởi giá vé máy bay càng đặt gần giờ khởi hành càng cao. Ông Phạm Anh Vũ, Giám đốc truyền thông Công ty Du lịch Việt, phân tích nếu khách thay đổi thói quen mà đặt tour trước 2 - 3 tháng; đặt theo nhóm gia đình bạn bè; đặt giữ chỗ trước… sẽ có mức giá giảm sâu và chi phí tốt hơn nhiều.
"DN lữ hành sẵn sàng giảm bớt lợi nhuận để duy trì mức giá tour hợp lý, kích cầu nhưng bài toán lâu dài là có lẽ du khách cũng nên thay đổi thói quen mua tour ngẫu hứng trong bối cảnh hiện tại" - ông Vũ nói.
Vận chuyển đa phương thức đang được nhiều DN lữ hành đẩy mạnh trong thời gian qua sau khi giá vé máy bay liên tục duy trì ở mức cao. Tại cuộc họp báo công bố Ngày hội Du lịch TP HCM năm 2024 (dự kiến diễn ra từ ngày 4 đến 7-4, tại Công viên 23 Tháng 9, quận 1) mới đây, ông Lê Trương Hiền Hòa cho hay sự kiện là cơ hội để các DN đẩy mạnh chào bán tour hè tới du khách và người dân thành phố. Dù vậy, du lịch nội địa đang bị cạnh tranh bởi du lịch nước ngoài trong bối cảnh chi phí đường hàng không liên tục nhích lên.
Đăng thảo luận