Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 vừa tiếp nhận bệnh nhân nữ, 44 tuổi, vào cấp cứu vì sốc phản vệ sau khi tiêm thuốc tê để tiêm filler mũi tại một cơ sở thẩm mĩ chui. Bác sĩ Nguyễn Tiến Sơn, khoa Cấp cứu (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) cho biết: “Bệnh nhân may mắn được cấp cứu đúng cách, kịp thời và tích cực nên tránh được những hậu quả đáng tiếc. Các cơ sở y tế thời gian gần đây ghi nhận rất nhiều trường hợp tai biến thẩm mĩ do hậu quả của những spa chui gây ra”.
Khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mĩ (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức), số ca tai biến do làm đẹp cấp cứu cũng có xu hướng tăng. Theo thống kê của Hội Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mĩ Việt Nam, tỉ lệ ca xảy ra biến chứng là 14%, tương đương 25.000 - 35.000 ca trên tổng số khoảng 250.000 người phẫu thuật thẩm mĩ hằng năm.
Tại Hội nghị Khoa học Quốc tế thường niên HPASS do Hội Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mĩ Hà Nội tổ chức ngày 13/10, PGS.TS Vũ Quang Vinh, Phó Giám đốc Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác, Chủ nhiệm Bộ môn phẫu thuật Tạo hình thẩm mĩ - Học viện Quân y cho biết: “Phẫu thuật thẩm mĩ cũng giống như bất kì loại phẫu thuật nào đều có rủi ro. Các thủ tục thẩm mĩ có thể dẫn đến các biến chứng khác nhau, thậm chí tử vong. Các biến chứng liên quan đến gây mê là nguyên nhân tử vong hàng đầu trong phẫu thuật thẩm mĩ. Nguy cơ là rất nhỏ nhưng vẫn có và đó là lí do vì sao bệnh nhân cần lựa chọn các cơ sở uy tín để thực hiện thẩm mĩ”.
Các đại biểu tham dự hội nghị HPASS
Hội nghị lần này nhằm tạo cơ hội gặp gỡ, trao đổi và nâng cao kiến thức cùng kinh nghiệm của bác sĩ ngoại khoa nói chung và tạo hình thẩm mĩ nói riêng. Các bác sĩ cần tìm kiếm giải pháp giúp người bệnh nhanh chóng phục hồi và lấy lại tự tin sau ca phẫu thuật.
GS.TS Trần Thiết Sơn, khoa Phẫu thuật Tạo hình thẩm mĩ (Bệnh viện Bạch Mai), Chủ tịch Hội phẫu thuật tạo hình thẩm mĩ Hà Nội cho biết: “Biến chứng trong làm đẹp là điều dễ gặp khi những kĩ thuật làm đẹp không được thực hiện bởi những bác sĩ được đào tạo chuyên nghiệp, không được thực hiện tại cơ sở được cấp phép. Những tai biến này làm xấu đi hình ảnh của ngành thẩm mĩ. Bất kì can thiệp nào cũng đều chứa rủi ro. Trong phẫu thuật thẩm mĩ, biến chứng thường gặp là nhiễm trùng, dị dạng, biến dạng ở vị trí thẩm mĩ, chảy máu và nguy hiểm nhất là tử vong”.
GS Trần Thiết Sơn cũng nhấn mạnh, khách hàng cũng cần cẩn trọng trước những chiêu trò quảng cáo hoa mĩ kiểu đẹp nhanh chóng, trắng sáng nhanh chóng... của các cơ sở thẩm mĩ trên các trang mạng xã hội hay các loại hình khác. Trên thực tế, làm đẹp cần phải có một liệu trình điều trị nhất định chứ không thể làm đẹp ngay và luôn được...
GS.TS Trần Thiết Sơn trao đổi tại hội nghị
Sau 7 lần tổ chức, hội nghị HPASS dần trở thành sự kiện mang ý nghĩa quan trọng đối với giới chuyên môn trong việc tìm kiếm giải pháp giúp người bệnh nhanh chóng phục hồi và lấy lại tự tin sau ca phẫu thuật. Hội nghị có gần 1.000 bác sĩ trong và ngoài nước đến từ Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Tây Ban Nha, Australia… tham dự.
Với chủ đề " Vẻ đẹp phẫu thuật tạo hình", Hội nghị không chỉ tập trung vào tạo hình thẩm mĩ làm đẹp, mà còn mở rộng các chủ đề tạo hình thẩm mĩ cho vấn đề bệnh học, đặc biệt là xử lí tai biến sau phẫu thuật thẩm mĩ ở những cơ sở không đảm bảo. Hội nghị có 65 bài báo cáo đa dạng chủ đề từ tạo hình ngực, thẩm mĩ mắt - mũi - môi - cằm, hút mỡ, tạo hình phẫu thuật ung thư vú, vạt bàn chân, khuyết điểm mũi và nhiều vấn đề phức tạp khác.
Ngoài ra, hội nghị cung cấp các nghiên cứu mới về công nghệ SMAS, phim chụp cắt lớp vi tính cùng nhiều vật liệu y tế thế hệ mới. Đặc biệt, hội nghị tổ chức mổ thị phạm 2 ca về nâng mũi sụn sườn tự thân và đặt túi độn ngực được thực bởi hai chuyên gia đến từ Hàn Quốc và Hoa Kỳ.
Xem nhiềuSức khỏe
Vỡ túi phình mạch máu não, người phụ nữ gục xuống khi đang nấu cơm
Sức khỏe
Thực phẩm rã đông có bị mất chất và tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh?
Sức khỏe
Bình Định ghi nhận ca bệnh tử vong do nhiễm Cúm A/H1pdm
Sức khỏe
Sức khỏe và diện mạo của bạn như thế nào khi 60 tuổi?
Sức khỏe
Đăng thảo luận