Chỉ đạo thông thầu vì 'có quan hệ từ trên bộ'
Như Tiền Phong đưa tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa ban hành kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện kiểm sát đề nghị truy tố bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn (cựu Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tiến bộ quốc tế - AIC) về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.
Bị can Nguyễn Trọng Đường.
Liên quan vụ án, ông Nguyễn Trọng Đường (cựu Vụ phó Vụ Kế hoạch tài chính Bộ Thông tin và Truyền thông, cựu Giám đốc Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam - VNCERT), Ngô Quang Huy (cựu Phó giám đốc VNCERT) và 10 đồng phạm khác là cựu nhân viên AIC, cán bộ VNCERT… bị đề nghị truy tố cùng tội danh.
Kết luận điều tra cho rằng, năm 2016, VNCERT được Bộ Thông tin và Truyền thông giao triển khai dự án mua sắm trang thiết bị và thuê dịch vụ kỹ thuật. Dự án để theo dõi, phân tích sự cố, tấn công an toàn thông tin mạng trên một số kênh kết nối Internet quốc tế.
Quá trình thực hiện, nhóm cán bộ VNCERT “móc ngoặc” với nhóm Nguyễn Thị Thanh Nhàn, tạo điều kiện cho Công ty AIC trúng thầu, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 17,2 tỷ đồng.
Theo Cơ quan điều tra, bà Nhàn phạm tội với vai trò chủ mưu, cầm đầu. Hiện bị can vẫn bỏ trốn nhằm trốn trách nhiệm cá nhân và cản trở hoạt động điều tra, bà từng bị xử lý trong 4 vụ án hình sự khác nhau...
Bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn.
Theo nội dung kết luận điều tra, bị can Nguyễn Trọng Đường khai, giữa năm 2016, ông Trương Minh Tuấn (thời điểm này đang là Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông) chỉ đạo Đường gặp ông Nguyễn Ngọc Duyên (là Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính) hướng dẫn thủ tục để lập, triển khai dự án. Ông Đường "hiểu Công ty AIC sẽ là đơn vị cung cấp thiết bị của dự án", vì vậy đã chỉ đạo Ngô Quang Huy và lãnh đạo, cán bộ cốt cán tại các Phòng, Ban của VNCERT phối hợp cùng bị can Nguyễn Văn Thế (Trưởng ban KT7 - Công ty AIC) xây dựng danh mục trên cơ sở trang thiết bị hiện có và phù hợp thực tế của VNCERT, với tổng mức dưới 100 tỷ đồng.
Sau khi Nguyễn Văn Thế và nhóm nhân viên VNCERT thống nhất về danh mục thiết bị, Thế chuyển phương án giá đầu ra và thiết bị hoàn chỉnh đến Nguyễn Trọng Đường quyết định, đảm bảo lợi nhuận cho Công ty AIC.
Về việc phân chia các gói thầu, ngay giai đoạn đề nghị phê duyệt dự án, ông Đường chủ động chỉ đạo nhân viên VNCERT tách phần thuê mua dịch vụ và đường truyền thành các gói thầu riêng (khoảng 20 tỷ đồng), tách rời với gói thầu mua sắm trang thiết bị và phần mềm, nhằm hạn chế việc AIC là tổng thầu sẽ làm giảm hiệu quả, phải mất thêm chi phí cho AIC.
Sau khi thống nhất về danh mục, Đường chỉ đạo các bộ phận của VNCERT phối hợp với đơn vị tư vấn hợp thức hóa báo giá, chứng thư thẩm định giá, hồ sơ mời thầu, tạo điều kiện cho Công ty AIC trúng thầu gói thầu số 8 theo đúng giá, danh mục đã thống nhất.
Để triển khai đấu thầu, ngày 16/10/2017, ông Đường ký quyết định bổ nhiệm bị can Trần Nguyên Chung là Trưởng Ban quản lý dự án, chịu trách nhiệm tham mưu cho Đường triển khai đấu thầu, ký hợp đồng, nghiệm thu, thanh lý hợp đồng.
Trong quá trình giao việc cho Chung, ông Đường nói rõ Chung phải phối hợp với Công ty AIC để triển khai lập hồ sơ mời thầu và đấu thầu, vì đây là đơn vị “có quan hệ từ trên Bộ”.
Cựu Bộ trưởng phủ nhận chỉ đạo thông thầu
Đến khi hoàn thành việc đấu thầu, dịp Tết Nguyên Đán năm 2019, ông Đường nhận túi quà phía AIC, bên trong chứa 1 tỷ đồng. Số tiền ông Đường sử dụng cá nhân 200 triệu đồng, còn lại chuyển cho các nhân viên VNCERT tham gia dự án (như: Trần Nguyên Chung, Nguyễn Thị Ánh Hồng...).
Cựu Bộ trưởng Trương Minh Tuấn.
Lấy lời khai với ông Trương Minh Tuấn (cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông), ông này khai làm Bộ trưởng từ tháng 4/2016 - 23/2/2019. Trên cương vị là Bộ trưởng, ông quen Nguyễn Thị Thanh Nhàn nhưng khẳng định không chỉ đạo Nguyễn Trọng Đường phối hợp với Vụ Kế hoạch tài chính "tạo điều kiện" cho AIC trúng thầu tại VNCERT.
Cơ quan điều tra cho rằng, trường hợp Công ty AIC">Trương Minh Tuấn chỉ có lời khai của Nguyễn Trọng Đường về việc “hiểu ý ông Tuấn chỉ đạo VNCERT cho Công ty AIC trúng thầu dự án”. Ngoài ra, không có tài liệu nào khác chứng minh, vì vậy Cơ quan điều tra chưa đủ căn cứ để xem xét trách nhiệm hình sự.
Năm 2019, ông Trương Minh Tuấn bị phạt 14 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng và Nhận hối lộ”, trong đại án MobiFone mua 95% cổ phần AVG, gây thiệt hại 6.500 tỷ đồng.
Trong vụ án, ông Tuấn nhận hối lộ 200.000 USD từ cựu Chủ tịch HĐQT AVG Phạm Nhật Vũ.
Xem nhiều
Pháp luật
Bắt tài xế lái Mercedes giả danh công an xin bỏ qua vi phạm
Pháp luật
Sau vụ 11 học sinh ăn 2 gói mì tôm chan cơm ở Lào Cai: Khởi tố, tạm giam nguyên hiệu trưởng
Pháp luật
Cựu Trưởng Công an TP Mỹ Tho bút phê 'hạ' mức xử phạt vi phạm giao thông cho hàng trăm trường hợp
Pháp luật
Xác nhận sinh trắc học vẫn bị mất tiền trong tài khoản
Pháp luật
Đăng thảo luận