Hiện tượng này không chỉ làm xấu mỹ quan đô thị, mà còn ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của người dân. Những điểm tập kết rác tạm thời này “góp phần” gia tăng tình trạng ô nhiễm không khí, vốn đang ở mức đáng báo động tại Hà Nội.
Điểm tập kết rác thành “điểm nóng” ô nhiễm
Một ngày đầu tháng 10/2024, điểm tập kết rác thải sinh hoạt tạm thời của xã Kim Quan, huyện Thạch Thất bốc khói nghi ngút. Mọi người đi trên đường H10, khi qua điểm tập kết rác này đều phải bịt mũi, nheo mắt trước những làn khói độc bốc lên từ bãi rác táp thẳng vào mặt. Theo quan sát, điểm tập kết rác trên bố trí tại vị trí cách biệt với đường H10, tuy nhiên rác thải đã tràn lên sát mặt đường. Đủ các loại rác bị vứt bỏ bừa bãi tạo nên cảnh tượng rất mất vệ sinh. Xen kẽ những túi rác ngổn ngang là nhiều đống tro cũ – mới lẫn lộn, nhếch nhác. Chị H. người bán hàng nước gần khu vực điểm tập kết rác cho biết, tình trạng rác thải thải tồn đọng và đốt rác bừa bãi ở điểm tập kết rác thải sinh hoạt tạm thời của xã Kim Quan đã diễn ra từ lâu. “Cứ thi thoảng lại có người ra đốt rác. Khói bụi ngột ngạt khó chịu lắm” – chị H. nói. Cũng theo chị H., ngoài việc đốt rác thì tình trạng rác thải bị vứt bỏ bừa bãi không đúng nơi quy định cũng là một trong những nguyên nhân khiến điểm tập kết rác này luôn trong tình trạng nhếch nhác, mất vệ sinh.
Điểm tập kết rác tại xã Kim Quan, huyện Thạch Thất mù mịt khói vì đốt rác. Ảnh: Nguyễn QuýTheo theo số liệu từ Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội năm 2024, lượng rác thải rắn sinh hoạt mỗi ngày phát sinh khoảng 7.000 - 7.500 tấn, với mức trung bình 0,8kg/người/ngày. Hiện tại, khoảng 62% lượng rác này được xử lý bằng phương pháp đốt rác phát điện, phần còn lại được xử lý bằng chôn lấp hợp vệ sinh. Tuy nhiên, do hạn chế về hệ thống thu gom và quản lý rác thải, nhiều khu vực tập kết rác trở thành nơi tích tụ rác lâu ngày, gây ô nhiễm nặng nề cho môi trường xung quanh.
Thực tế, nhiều điểm tập kết rác tại các khu dân cư không chỉ chứa đầy rác thải mà còn trở thành điểm đốt rác tự phát của người dân. Những bãi rác này thường bốc mùi hôi thối, đặc biệt vào những ngày nắng nóng, và trở thành mối đe dọa lớn cho sức khỏe cộng đồng. Việc đốt rác ngoài trời gây ra hậu quả nghiêm trọng khi khói đen, bụi mịn và các khí độc như CO2, SO2 được thải ra từ các vụ đốt rác không kiểm soát này là những yếu tố chính gây ô nhiễm không khí. Nhiều khu vực tập kết rác tại Hà Nội đã trở thành "điểm đen" của ô nhiễm. Các bãi rác không được thu gom đúng thời gian, khiến người dân phải chịu đựng ô nhiễm mùi hôi thối và khói từ các đống rác bị đốt cháy.
Cần “thuốc đặc trị”
Hà Nội đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng nghiêm trọng. Theo các báo cáo của AirVisual, chất lượng không khí ở Hà Nội trong năm 2023 thường xuyên ở mức báo động với chỉ số AQI (Air Quality Index) nhiều khu vực vượt ngưỡng 150 – mức có thể gây hại cho sức khỏe. Các yếu tố chính gây ra tình trạng ô nhiễm không khí bao gồm khói bụi từ giao thông, công trình xây dựng, đốt rơm rạ và đặc biệt là đốt rác thải sinh hoạt.
Các chuyên gia môi trường khẳng định, việc đốt rác thải ngoài trời là một trong những nguyên nhân chính làm gia tăng lượng bụi mịn và khí thải độc hại vào không khí. Bên cạnh đó, các điểm tập kết rác thải còn gây ra sự mất cân bằng trong môi trường xung quanh. Các dòng nước rỉ từ rác thải có thể xâm nhập vào hệ thống nước ngầm, làm ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt. Đồng thời, mùi hôi từ rác tồn đọng lâu ngày cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người dân sinh sống gần các khu vực này. “Các chất khí sinh ra từ đốt rác nhựa như dioxin và furan có khả năng gây hại nghiêm trọng cho sức khỏe con người, thậm chí có nguy cơ gây ung thư khi tiếp xúc trong thời gian dài" - Tiến sĩ Nguyễn Văn Thịnh - Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường cho biết.
Theo các chuyên gia, để giải quyết bài toán ô nhiễm tại các điểm tập kết rác thải sinh hoạt, việc đầu tiên và quan trọng nhất là phải cải thiện hệ thống thu gom rác thải. Cần có các biện pháp nhằm bảo đảm rác được thu gom đúng giờ và vận chuyển đến các khu vực xử lý theo đúng quy trình. Hệ thống thu gom rác thải hiện nay cần được nâng cấp, bảo đảm không để tình trạng rác thải bị tồn đọng trong thời gian dài. Bên cạnh đó, cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng và trang thiết bị cho việc tập kết, thu gom rác thải sinh hoạt. Một trong những yêu cầu tối thiểu tại các điểm tập kết rác là phải có mái che, có hệ thống thoát nước và được phân vùng hợp lý để tránh tình trạng rác bị tràn ra ngoài. Các công nghệ tiên tiến như xử lý rác bằng công nghệ sinh học hoặc đốt rác trong các nhà máy chuyên dụng cũng cần được thúc đẩy để giảm thiểu tình trạng đốt rác bừa bãi ngoài trời. Một yếu tố không thể thiếu là tăng cường công tác giám sát và thực thi pháp luật. Các cơ quan chức năng cần có sự kiểm tra thường xuyên, xử phạt nghiêm minh đối với các hành vi vi phạm liên quan đến quản lý rác thải. Việc áp dụng các biện pháp hành chính, như xử phạt người dân tự ý đốt rác, cũng cần được thực hiện triệt để hơn.
Ngoài các giải pháp cơ học và chính sách, việc nâng cao ý thức của người dân về bảo vệ môi trường chính là chìa khóa để giải bài toán ô nhiễm tại các điểm tập kết rác. Các chiến dịch tuyên truyền về phân loại rác tại nguồn, không đốt rác bừa bãi và sử dụng sản phẩm tái chế có thể góp phần giảm tải lượng rác thải tại các điểm tập kết. Cùng với đó, việc khuyến khích cộng đồng tham gia vào các hoạt động giám sát và bảo vệ môi trường sẽ giúp hạn chế tình trạng ô nhiễm từ rác thải.
Đăng thảo luận
2024-10-24 12:43:55 · 来自123.234.245.0回复
2024-10-24 12:53:56 · 来自121.77.155.14回复
2024-10-24 13:03:53 · 来自171.12.245.130回复
2024-10-24 13:13:55 · 来自171.9.45.75回复